20/6/2014 - Những khó khăn trong việc giáo dục sớm & trải nghiệm tuyệt vời tại phòng lớp lá (pre-kindle)

Ở đời phàm việc gì nói cũng dễ hơn là làm và dĩ nhiên việc giáo dục sớm của con chắc chắn không phải là ngoại lệ và những khó khăn thì không sách nào tả hết. Khi đọc hết một đống tài liệu về giáo dục sớm, lòng mẹ lửa nhiệt tình nóng bùng bùng. Lúc bắt đầu dạy con (gần 2 tháng trước) thì dù tiến độ chậm nhưng mẹ còn cảm thấy mọi việc trong tầm kiểm soát. Khi đó con còn nhỏ, mẹ làm gì cũng tò mò, bây giờ thì mẹ đừng có mà mơ. Lấy được của con 2 phút của sự tập trung còn khó hơn lên trời. Con di chuyển ngày càng nhanh, hứng thú với nhiều thứ hơn và đặc biệt là dù dính mẹ như sam nhưng con thích độc lập tự khám phá thế giới theo ý mình. Và con càng ngày càng rất rõ ràng và rành mạch trong cái gì thích và không thích. 

Nếu mẹ "dụ" con một kĩ năng nào mới thì con đã tính rất nhanh là con có làm được không. Nếu làm được thì bắt chước ngay như động tác "xoa xoa", còn không thì lập tức bỏ đi như việc mẹ củng cố thêm cho con kĩ năng đưa đồ cho mẹ khi mẹ yêu cầu (mặc dù cũng có lúc con hợp tác). Lúc nào mẹ cũng cố gắng nài ép con vài lần chứ không để con bỏ cuộc ngay lập tức. Một hai lần đầu thì con khăng khăng lầm lũi bò đi, đến lần thứ ba thì con ngồi lại, nhìn thẳng vào mắt mẹ, hơi cau mày và đập hai tay bụp bụp. Đến khi đó thì mẹ không thể làm gì khác được là ngồi nhìn con bò đi tìm đồ chơi để ... gặm :-( 

Bây giờ mẹ phải đau đầu (thực sự là đau đầu đúng nghĩa đen) để tìm tòi, sáng tạo các cách giáo dục con, để khơi gợi cảm hứng học hỏi cái mới chứ không ép con được. Cùng với việc phải tự chuẩn bị cho sinh nhật con sắp đến, viết nhật ký mỗi ngày cho gocMinhAn, cố gắng ra bài viết mới mỗi tuần ở gocDani, và gần đây nhất là con lại ốm + grow spurt (toàn thức lúc 2h và 5h sáng để đòi ăn thêm) mẹ quay như chong chóng. Quần áo chất đống chưa gấp, may mà vẫn lo được bếp núc cơm nước cho ba. Nhưng mà nhà thì như cái kho, nào đồ thủ công, nào thùng (tích trữ để làm đồ chơi) khắp nơi. Mẹ hạ quyết tâm cuối tuần này dọn. 

Dạy con học cũng như dạy con ăn và dạy con ngủ (nếu không nói là khó hơn nhiều nhiều lần), sẽ có những lúc mẹ cảm giác như mọi việc tuột ra khỏi tầm tay. Nhưng mẹ biết chỉ cần mẹ tiếp tục tìm tòi, tiếp tục tin, tiếp tục kiên trì thì nhất định sẽ thành công; như cách mẹ đã rèn con ngủ và ăn dặm. Có công mài sắt có ngày nên kim (mẹ tự trấn an tinh thần).

Cả tuần nay con ốm và trời gió lạnh nên mẹ ít đưa con ra ngoài, hôm qua nhân lúc nắng một tí hai mẹ con tranh thủ đi bách bộ hít khí trời. Ấy thế mà khi đi thì trời trở gió nên mẹ không cho con xuống đất như mọi khi mà chỉ nói chuyện, giảng giải liên tục cho con, cho con sờ mọi thứ trong tầm tay có thể. 





Theo gợi ý về giỏ đồ chơi (treasure basket) của Montessori, mẹ để ý thu nhặt những mẫu phẩm từ thiên nhiên để tạo thành giỏ đồ chơi theo chủ đề thiên nhiên cho con. Tìm mãi chả thấy quả thông nào, đi vòng mấy con phố mà thu hoạch chỉ được mỗi thế này. Tuần này giỏ đồ chơi (treasure basket) của con có chủ đề đồ dùng làm bếp. Tuần sau chắc mẹ sẽ đổi thành chủ đề theo màu. 



Hôm nay con lại ốm. Mẹ cho đi bác sĩ khám, không sưng hay viêm gì, chỉ cảm virus thông thường thôi. Cảm lạnh đợt trước đã có dấu hiệu khỏi thì con lại hắt xì. Bác sĩ bảo lại cảm lại (loại virus khác, có hơn 200 virus cảm cơ). Trong lúc chờ bác sĩ ở phòng khám con luôn tò mò với người lạ. Từ bé con đã rất dạn người. Có hai mẹ con cô Tây ngồi cách mẹ con mình khoảng 3m, con bò lại trước mặt họ và ê a bắt chuyện, ngồi đấy một lúc lâu, mũi dài lòng thòng. Tính con rõ là hướng ngoại. Mẹ sẽ phải trông chừng mặt mạnh của tính này để phát huy và mặt không mạnh để điều tiết.

Tuần trước khi đón con về mẹ chưa về ngay mà cho con sang chơi với con thỏ béo ở phòng học bên cạnh. Thấy nó con vừa lạ vừa thích. Hôm qua mẹ đã dạy con hành động "xoa xoa" và hôm nay khi cho con chơi với con thỏ mẹ bảo "con xoa xoa con thỏ đi". Thế là con cũng xoa xoa chứ không nắm lông nó giật như hôm nọ. Con thỏ nhanh quá, con chưa kịp xoa đã nhảy véo đi chơi. Xong mẹ lại cho con vào chơi ở trong chậu cát, chơi được một lúc thì mồm con toàn cát vì cho tay lên mồm. 

Tiếp đó mẹ lại cho con vào phòng của các anh chị lớp lá (pre-kinder) để chơi. Đây là lần đầu tiên con được vào lớp này. Lúc sáng đưa con đi học nhìn các anh chị được chơi cùng cô mẹ đã thấy thích. Thế mới gọi là đi học, được mở mang, chứ như các lớp dưới thì chỉ toàn lủi thủi chơi với nhau là chính, chả được dạy nhiều. Các anh chị còn được học chữ, học đếm nữa chứ. 

Chả là mẹ đang có tâm ý dạy chữ và số cho con nên rất để ý đến vấn đề này. Mẹ cho con vào lớp, lúc này các anh chị đã tự chơi để chờ bố mẹ đến đón về nên mẹ con mình không làm phiền ai hết. Mẹ cùng con ngồi xuống bàn có để sẵn puzzle bảng chữ cái, mẹ bắt đầu chỉ cho con từng chữ. Ngay lập tức 2 chị gần đó sà vào chơi cùng. Thấy vậy mẹ hát bài ABC bằng tiếng Anh để các chị cùng tham gia (chứ dạy con thì mẹ dạy cả Anh và Việt nên các chị không biết). Trong khi các chị hưởng ứng rất nhiệt tình thì con gái mẹ cứ nắm được chữ nào là vứt chữ đó. Để ra xa khỏi tầm với thì con vớ ngay miếng xếp hình bên cạnh và ngồi thản nhiên gặm, mũi nhãi lòng thòng. 

Tuy con chưa hiểu và cũng chưa tỏ ra hứng thú nhưng mẹ luôn chú ý vừa hát vừa nhìn và đưa chữ cho con xem. Hết hát ABC thì mẹ dạy các chị hát bài đếm từ 1 đến 10. Con vẫn ngồi gặm, mũi nhãi lòng thòng. 

Mẹ đã quyết định sẽ dạy con thật nhiều bài ABC và đếm từ 1 đến 10 cho con. Chúng là những bài hát hay và rất dễ nhớ. Mục tiêu của mẹ là 2 bài trên sẽ phải nằm trong số những bài con biết đầu tiên. Sau này khi con lớn một chút thì sẽ dạy con nhớ bảng cửu chương (chưa tìm ra cách nhớ nào bằng bài hát). Con chưa hiểu, tất cả sẽ chỉ là vô thức nhưng nó sẽ là một cách rất tốt để rèn trí nhớ cho con. Rồi đến khi cần thì con dùng. 

Mẹ đã nói chuyện với cô quản lý và xin cho con sang phòng của các anh chị chơi khoảng nửa tiếng mỗi khi mẹ đón con về. Học cùng với bạn có lẽ sẽ gây cảm hứng cho con vì các con thích đua bạn đua bè mà. Vậy là từ nay ngoài học ở nhà mẹ sẽ dạy thêm cho con học ở lớp nữa. Lòng mẹ lại có thêm một ít hi vọng.

:-) yêu con

-*-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.