18/09/2014 - Lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ đã áp dụng GDS cho con và review của mẹ về các phương pháp GDS

M An 13 tháng rưỡi

Bài viết này mẹ dành để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc cha mẹ đi trước, lớp người đã tiên phong và kiên trì áp dụng giáo dục sớm cho con và truyền lại cho thế hệ sau. Một dòng cảm ơn chứa đựng cả một hành trình dài đằng sau từ lúc phát hiện giáo dục sớm (GDS) đến bây giờ và tiếp tục trong 17 năm nữa.

Bắt nguồn từ bài báo về Minh Khuê đạt học bổng Harvard, mẹ bị thuyết phục hoàn toàn bởi cách giáo dưỡng nên một con người hoàn thiện cả về tri thức, tâm hồn nghệ thuật lẫn sữ chín chắn về nhận thức. Với quyết tâm dạy con theo hướng ấy, mẹ đã tìm đọc không biết bao nhiêu là tài liệu. Nhiều người thân và bạn bè nghĩ mẹ thái quá, cứ xuề xoà trời sinh voi sinh cỏ có sao đâu. Nhưng mẹ muốn tạo mọi điều kiện có thể để con có đủ khả năng làm bất cứ việc gì mình muốn sau này, mẹ muốn con được hạnh phúc.

Và để làm được điều đó mẹ phải đọc thật nhiều, học thật nhiều. Con là đứa đầu, cũng như là chuột bạch, mẹ không thể để thí nghiệm này thất bại. Thời đại thông tin bùng nổ, mẹ lại càng không muốn mình trở thành nạn nhân của công nghệ marketing cho bất kì một phương pháp giáo dục nào. Mẹ muốn tìm về gốc rễ của mọi vấn đề và tự mình xem xét đánh giá. Con quá quý báu để mẹ đem ra thử hết cách này đến cách khác mà không có một hiểu biết cũng như chính kiến riêng.

Mẹ đã đọc đi đọc lại và chi chép ý chính của bài phỏng vấn cô Hải Âu (mẹ Minh Khuê), Thiên tài và giáo dục từ sớm - Kimura, shichida, Giáo dục tự nhiên của Stoner xuất bản năm 1914 - Hiện chỉ có bản scan từ sách (tiếng Anh), em phải đến Harvard, 7 loại hình thông minh (đang đọc) (tiếng Anh mẹ đọc không nổi vì tác giả dùng rất rất nhiều từ ít gặp trong giao tiếp hàng ngày), Emotional Intelligence - Daniel Goleman (đang đọc) và mới đây nhất là theo dõi FB của cô Hải Âu để đọc các bài chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con. Mẹ cũng đã có ý định đọc tài liệu gốc của Witte cha, người được cho là khởi tổ của giáo dục từ sớm. Nhưng sau khi nghe một vài khuyến cáo là dù đã được rút từ 1000 xuống 300 từ thì tài liệu của ông vẫn rất khó đọc và thiếu trọng tâm (có lẽ do được viết từ quá sớm khoảng năm 1818).

Cùng với cơn cuồng phong về đầu tư giáo dục cho con hiện nay tại Việt Nam, và kiến thức mẹ đã đọc được cũng như kinh nghiệm 1 năm nuôi dạy con, mẹ thấy như sau:

  • Khi nhắc đến giáo dục sớm nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ phải nhồi thật nhiều thứ vào đầu con từ sớm, bỏ tiền cho con học các lớp ngoại khoá xịn là có nghĩa mình đã "làm những gì tốt nhất có thể" để giáo dục con từ nhỏ. Nhưng riêng mẹ nghĩ học mà không theo sát được kết quả, tiến bộ của con thì việc đi học trường xịn lớp đắt tiền chỉ là để giải quyết khâu yên tâm cho cha mẹ

  • Một vài cha mẹ tân tiến hơn thì tìm đến các phương pháp như Montessori, Glenn Doman, người Nhật dạy con, người Do Thái dạy con, v...v.. mà quên đi một điều chính mẹ đồng hành với con mới là cội nguồn của mọi vấn đề. Từ khi con 8 tháng, khi mẹ ngộ ra được điều đó mẹ đã từng nói đùa "giáo dục con quả là "đắt đỏ" quá, cứ phải có mẹ kề kề ở bên". Chỉ khi bạn thực sự đồng hành cùng con, đặt việc dạy con lên trên hết thì bạn mới thấy được cách giáo dục tưởng chừng như đơn giản này (không cần bỏ nhiều tiền mua sách vở và học cụ như Mont hay Glenn) thật ra lại là cách xa xỉ nhất. Nó không chỉ là thời gian mà còn là công sức cũng như sự kiên trì đến tột đỉnh của người mẹ. Có những khi mẹ bị ốm mệt thì vẫn ra nằm cạnh con ở khu con chơi, mẹ không chơi được cùng con nhưng vẫn nhìn con được. Nhìn để biết các kĩ năng nào con đã nắm và kĩ năng nào cần bổ sung thêm

  • Không biết có bao nhiêu các bậc cha mẹ ở Việt Nam và kể cả các nước phương Tây biết được rằng Montessori và Glenn Doman là 2 phương pháp được nghiên cứu ra để áp dụng cho trẻ em tự kỉ và bị các bệnh về não (như tổn thương và chậm phát triển)? (có lẽ việc giấu diếm đó chính là ý đồ của marketing?). Mẹ không có ý bài xích 2 phương pháp trên vì mẹ đã từng đọc qua nhiều forum và các bài review của các mẹ có con chậm phát triển, ai cũng bảo các phương pháp trên quá tuyệt vời (họ phải trả tiền cho con đi học ở các lớp đều đặn mỗi tuần như một kiểu vật lý trị liệu). Bản thân mẹ cũng rất thích các ý tưởng về học cụ của Montessori và thường xuyên tìm tài liệu để áp dụng (và cũng rất muốn tìm một nhà trẻ Montessori cho con học). Nhưng nếu cứ chỉ nghe theo marketing quảng cáo như một con thiêu thân thì chả khác nào uống thuốc mà không đọc kĩ liều và hướng dẫn sử dụng. Chưa ý thức được hết cái mạnh cái yếu, cái hạn chế của từng phương pháp mà đã áp dụng cho con thì e rằng sẽ khó đạt được kết quả cao nhất

Điển hình là vài tháng trước, để đổi mới việc học chữ và số cho con mẹ đã áp dụng phương pháp flash card của Glenn Doman. Một vài ngày đầu con thấy lạ còn hứng thú, nhưng chỉ đến ngày thứ 4 thôi thì đừng nói con mà ngay bản thân mẹ cũng ngán đến tận cổ. Nếu mẹ mà chán dạy thì làm sao truyền lửa cho con học? Có thể phương pháp đó rất thành công với một nhóm các bé nhất định nhưng với mẹ thì mẹ sẽ không bao giờ muốn con mình học theo cách đó. 

Cùng với lý thuyết là tạo đường rãnh tư duy trong não để não có nhiều nếp nhăn hằn sâu thì cách của Glenn Doman có lẽ là cách tệ nhất mà mẹ có thể dạy con. Hàng ngày cứ phải cho con xem đi xem lại các thẻ flash card như một cái máy, rõ là có tác dụng tạo đường rãnh nhưng thiếu trầm trọng về tính sáng tạo, lửa đam mê và từ đó việc học trở thành cực hình của cả con và mẹ.

Thế là mẹ con mình trở lại với việc học như trước, mỗi ngày 30' (cuối tuần nghỉ, những hôm đi học thì lúc giờ ăn con học được bao nhiêu thì học), học chữ và số bằng các cách không bao giờ giống nhau. Khi thì mẹ kể chuyện với các chữ số, khi thì giả vờ cho chúng đi qua đi lại, khi thì nhờ con đưa cho mẹ chữ này số kia. Mẹ con mình học mà chơi, 30' qua thật nhanh. 


  • Khi đọc cuốn sách của Shichida mẹ hơi lạ, và nhất là lại có khái niệm phương pháp Shichida. Tất cả những gì cuốn sách đó làm là ghi lại toàn bộ những cách thức mà Witte cha và bà Stoner đã dùng để dạy con họ. Nếu chỉ đọc sách của Shichida thì mẹ sẽ không hề bị thuyết phục vì ông không có một thành quả cụ thể, đó là một đứa con được dạy nên người từ cách của mình. Về mặt thuyết phục thì không thể bằng cuốn "Em phải đến Harvard" hay bài báo phỏng vấn cô Hải Âu. Nhưng nó lại khá có ích vì nó như một bảng tổng kết về các phương pháp mà Witte cha và bà Stoner đã áp dụng, để khi cần có thể tham khảo nhanh. Nhưng cơ bản thì vẫn là lý thuyết xuông và thiếu hẳn giá trị thực tiễn từ những trường hợp cụ thể và thực tế chỉ có được khi bạn thực sự nuôi dạy một đứa con (chứ không phải ngồi nghiên cứu). Nói một cách khác thì theo những hiểu biết của mẹ đến thời điểm này thì Shichida dường như chỉ là người có công làm sống lại cách giáo dục của Witte cha và bà Stoner (cùng một vài người khác cùng thời nhưng ít có tài liệu đề cập đến). Và lại là câu chuyện về "đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng".

SOROBAN ABACUS - bàn tính xưa của Nhật. Điểm chín muồi của việc dùng bàn phím này là khả năng tính nhanh như điện (đọc đến đâu tính đến đấy). Mẹ dự định đây sẽ là món trò chơi tinh thần của con, giúp con gỉai trí những khi căng thẳng đầu óc, kiểu như Đình Đình chơi cờ vây ấy. Mẹ đang cân nhắc sẽ nhét nó vào chương trình học của con năm mấy tuổi. 

Đến thời điểm này thì quan điểm về cách dạy con của mẹ vẫn trùng khớp với cách của Witte cha, bà Stoner, cô Vệ Hoa và cô Hải Âu. Lấy 7 trí thông minh làm kim chỉ nam, dọc đường đi dạy cho con thêm các kĩ năng như kiên trì, khiêm tốn, biết sống chan hoà yêu thương, có trách nhiệm với bản thân, v...v... Còn thì mỗi thời, mỗi nước, mỗi điều kiện sống khác nhau sẽ cần có những điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi gia đình và thời đại.

Mẹ biết ơn các thế hệ đi trước đã dày công để lại tài liệu cho ngày hôm nay, nếu không thì quả thật là mẹ dù có lòng nhưng chắc chắn sẽ gặp nhiều sai lầm đáng tiếc trong việc nuôi dạy con. Nhờ các kinh nghiệm để lại mà mẹ có thể lập chiến lược một cách dễ dàng hơn, tập trung và dàn trải nguồn lực cũng như kinh tế một cách đúng đắn.

Cháu xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô Hải Âu đã dành thời gian viết và chia sẻ các mẩu chuyện và quan điểm của mình. Cháu hi vọng sẽ tiếp tục được đọc thật nhiều bài của cô và muốn cô biết rằng những ghi chép đó có giá trị rất to lớn đối với mẹ con cháu.

-*_

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.