29/9/2018 - Mẹ lại viết cho con

Sau một thời gian dài mọi thứ lại thuận trở lại và mẹ lại quay lại viết blog cho con. Điểm lại 1 chút các tin chính trong vài năm lại đây của con như sau:

• 22 - 24 tháng sốt liên tục, lúc nào cũng dính vào mẹ. Đi 4 lần BS đa khoa, 3 lần đưa vào khoa cấp cứu bệnh viện nhi (Royal Children) do sốt mà họ đều bảo con bị cảm liên tục và chỉ cho hạ sốt

• 24 tháng 2 mẹ con về Vn. Con vẫn thi thoảng sốt cao, xong lại hạ. Thường thì sốt nhẹ. Cứ toàn hẹn được bs thì lại hết sốt nên đến nơi BS chả hiểu bệnh gì. Thử máu thì các chỉ số bình thường

• 24 tháng cho đến 28 tháng, cứ sốt rồi lại hết như thế suốt. Cả nhà sốt ruột nhưng mãi không tìm ra nguyên nhân. Cứ panadol rồi lại nurofen, uống như ăn kẹo

 • 28 tháng lại sốt, đi thử máu thì lần này chỉ số nhiễm trùng tăng cao bất thường, BS bắt nhập viện gấp. Ông bà ngoại vừa đáp máy bay ra đến HN, lên Thái Nguyên thì nghe tin vội vã trở về. Con nằm BV nhi đồng 2 mất 1 tuần, truyền kháng sinh chống viên phế quản. Mẹ ở lại bv, cả nhà túc trực chăm con. Nhưng con vẫn sốt.

Sau 1 tuần được cho về nhà vài hôm thì con kêu đau bụng, chỗ xương sườn. Lại tha lôi nhau vào nhi đồng 2 khám. BS nghi là viêm ruột thừa, lại bắt nhập viện theo dõi. May sao ông ngoại có người quen là BS Hương, trưởng khoa nội BV nhi đồng 2, ông bảo dẵn lên gặp BS trước xem thế nào đã.

BS nghi là viêm đáy phổi nên viết giấy cho đi chụp X quang và ghi tay nhờ bên kĩ thuật chụp rõ đáy phổi. Thế mà phải đi chụp đến lần thứ 2 mới ra. BS cho đúng thuốc, uống đến lần thứ 2 là con đã khỏi 80%. Vui vẻ phấn khởi cười đùa. Và từ đó việc sốt rong hết hẳn.

6 tháng viêm phổi qua đi để lại bao nhiêu di chấn. An từ 1 em bé cực dễ nay lại thành khó vô cùng. Nết ăn nết ngủ nết chơi khác đi hết cả, không còn tí gì giống hồi bé. Rau không ăn, trái cây ăn chọn lọc, ăn vừa lâu lại vừa ít. Ngủ phải có mẹ nằm cạnh. Tâm tính khó chịu, hay hét. Cũng có thể là do thay đổi theo độ tuổi nữa nhưng rất nhiều lúc mẹ nghĩ đây không phải là con của mình. Con mình sinh ra nó đâu có thế này.

Tình trạng này tiếp diễn và kéo dài đến tận năm 5 tuổi rưỡi mới đỡ. Ở mỗi mốc lại có những biến chuyển khác nhau. Khi chưa nói sõi thì con hét. Có thời gian cả 6 tháng trời con chỉ hét. Có lúc hét liên tục 20 phút, mấy lần 1 tối. Thời gian đó cả nhà đều không hiểu con có biết nói không vì con chả nói mấy. Lúc nào mặt mũi cũng hằm hằm và chực hét.

• 3 tuổi, khi đã nói tốt hơn thì các cơn hét cũng giảm nhưng thái độ chống đối lại tăng cao. Đụng tí là lăn ra đất nằm khóc ngay cả với những việc rất bình thường như tắm rửa, đánh răng, thay quần áo đi ngủ. Tối nào cũng khóc và ăn vạ mấy chập. Cả nhà ai cũng sợ, ai cũng hãi. Ông bà ngoại bảo chưa thấy đứa nào tính khí khó chịu và khó như con bé này.

• 4 tuổi: 2 mẹ con sang Úc lại và ở luôn bên Úc. Việc nằm ăn vạ từ từ giảm bớt nhưng việc quát mẹ bắt đầu xuất hiện và tăng nhanh. Có những giai đoạn con vừa ăn vạ lại vừa quát mẹ. Đây là giai đoạn mẹ rất mệt, tinh thần bị bạo hành bởi những lời nói và thái độ của con. Dần dà mẹ đã hiểu ra nguyên nhân và có ghi lại trên gocDani như sau:

"Có những biểu hiện vượt trội mà khi để ý bạn sẽ thấy nó mang tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng thường là những thái độ gay gắt hơn bình thường như: tính nóng giận, sự gia trưởng, bạo hành bằng ngôn từ, bạo hành bằng tay chân, v..v.

Là do bộ gen, là do chúng là những vết thương chưa đc giải toả, cất chứa trong DNA và di truyền, hay những người có chung bài học hay đc đầu thai vào cùng nơi để cùng nhau học, v..v. Chọn bất cứ cách diễn đạt nào bạn thấy phù hợp nhưng đó là sự thật mà mình nghĩ xảy ra ở hầu hết mọi gia đình.
Bé An nhà mình cũng có biểu hiện đó từ rất sớm. Chỉ khi mới lên 2, bé đã có thái độ la hét rất khó chịu khi mệt (buồn ngủ hoặc đói). Lúc đầu mình nghĩ bé nào mệt cũng thế, con mình chắc cá tính mạnh nên cường độ cao hơn các bạn. Chắc qua giai đoạn này là hết. Nhưng không, sang 4 tuổi khi con nói sõi hơn thì những cơn gào thét chuyển thành lời nói. Những lời nói rất khó nghe như “nếu mẹ ko làm như con nói thì con sẽ đánh vào mặt mẹ”, “nếu mẹ ko cho con ăn socola thì con sẽ cào mẹ”. Rồi là mẹ xấu xa như phù thuỷ.

Đặc biệt chương trình này chỉ đc phát với những người con yêu nhất, gần nhất, là mẹ và ông bà ngoại. Nhất là mẹ. Sau khi nghe ngóng, tìm hiểu và thử các cách thì mẹ phát hiện ra thái độ bạo hành kia lên cao điểm khi con mệt và có 1 lần con vừa quát mẹ, vừa nói trong nước mắt “con chỉ muốn mẹ yêu con”.

Lúc đó mình như chợt bừng tỉnh. Thì ra con mệt và cần tình thương (chứ ko phải cố ý quậy), nhưng thay vì chỉ khóc và bảo mẹ ôm thì con lại tự xù lông lên, quát tháo om sòm và nói những lời gây tổn thương.

Thái độ bạo hành ngôn ngữ (đặc biệt khi mệt) mình biết là di truyền từ đằng nhà mình. Dù biết đó là lúc con cần tình yêu thương nhất nhưng con ko cho ai lại gần. Hết cứng rồi đến mềm, kiểu gì cũng không kết quả.

Việc hét của con bắt đầu từ năm 2 tuổi. Cho đến bây h là 3 năm rưỡi, mới chỉ khá lên vài tháng gần đây. Trc đó có ngày mấy bận, chỉ trong vài tiếng đồng hồ từ lúc đón con về đến lúc đi ngủ.
Dần dần mình trở nên tránh con 1 cách vô thức. Mình ngại gần con, thậm chí sau nhiều cơn la hét của con còn thấy nó như cái cục nợ mà mình ko bỏ đc. Và mình cạn kiệt sự kiên nhẫn với con ngay cả khi nó ko la hét.

Tình trạng này tiếp diễn và mình như quả bóng căng ra và muốn nổ tung. Nó khó chịu đến nỗi ông bà ngoại ko dám giục đẻ đứa nữa vì biết mình đã sợ xanh mắt mèo. Có rất nhiều hôm nhà như chiến trường khi 2 mẹ con gào thét nhau. Ba về thấy cả hai đều sưng xỉa.

Mấy tuần trc mình ốm. Tự để ý quan sát tình cờ mình thấy những lúc yếu người là khi những suy nghĩ tiêu cực phán xét hay xảy ra trong mình nhất. Phán xét chính mình, phán xét mọi người. Ăn no đỡ mệt thì giảm hẳn. Mêt lại là lại bắt đầu tự la mắng mình. Và trong 1 lúc mình ớ ra, ơ mình có khác gì con đâu, cũng tự bạo hành bản thân khi không khoẻ, lúc cần tình thương nhất đấy thôi.
Chắc chắn đây là vết thương chưa đc chữa lành khởi thuỷ từ đâu đó ở đời tổ tiên. Đến đời mình có vẻ ko bộc phát mạnh vì mình ko bị bố mẹ ca thán về hành vi này, nhưng lại bùng lên ở đời con mình.
Lúc này đã có kinh nghiệm hơn nên tự nói với bản thân “biết là mệt nên cáu rồi, đi xem nốt chút thôi rồi về nằm nghỉ, không sao nhé.” Mệt thì vẫn mệt nhưng lạ lùng thay những suy nghĩ tự bạo hành đó hoàn toàn biến mất.

Và từ đó về sau thì đỡ đc hẳn. Và mình cũng nhạy hơn trong việc nhận biết và vỗ về bản thân. Và mình cũng thấu hiểu với con hơn về thái độ của nó.

Bên cạnh đó mình cũng tự xem xét lại bản thân, xem vì sao mình càng ngày càng tránh con, khó chịu với con dù đã chấp nhận đó là cá tính của nó.

Và mình phát hiện ra là do mình vẫn chưa buông đc dính chấp về cuộc sống của mình. Mình vẫn chấp vào ý nghĩ cuộc sống của mình chỉ vui khi con ngừng thái độ đó và chờ mãi chả thấy nó ngừng thành thử mình khó chịu.

Giải pháp hay nhất là chấp nhận. Chấp nhận cuộc sống như nó là với mọi thứ đang đc mang lại trc mắt. Chỉ 1 thay đổi trong suy nghĩ như thế thôi mà người mình như đc khơi mạch. Thần thái nhìn qua gương nhẹ đi trông thấy và mình cảm thấy dạt dào tình yêu thương với bản thân, với con, với cuộc sống.

Sự kiên nhẫn và sự thể hiện tình cảm với con cũng tăng lên đáng kể. Bây giờ khi con vào cơn thì mình sẽ tuỳ lúc mà mềm nắn rắn buông để thông điệp đến cho con rằng chỉ cần con ghi nhận là con đang mệt và nói mẹ ôm con là đc. Và rằng mẹ ko thích thái độ của con như thế với mẹ. Vừa vạch ra ranh giới, vừa khuyến khích con cách tự ghi nhận và ôm ấp cảm xúc của mình.

Con gái vẫn hung hăng dữ tợn nhưng cường độ có lúc bớt đi. Nhưng trên cả là thái độ của mình với con và cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi. Chỉ cần bỏ đi sự kháng cự với những việc không thể thay đổi thì ta nhận ra đó chính là bài học."

Sau khi cởi được nút thắt đó thì mẹ thấy nhẹ lòng hơn và tình yêu với con đã trở lại nhiều hơn. Có lẽ quãng thời gian 2 năm ở Vn với quá nhiều khó khăn và stress từ con, từ công việc, áp lực từ ông bà ngoại khiến mẹ vô tình dựng lên 1 hàng rào phòng ngự cảm xúc, khiến mẹ khó thể hiện tình cảm với con.

Ngay cả khi đã sang lại Úc, mẹ vẫn chưa ý thức được việc đó, cộng thêm vào việc con cứ liên tục bạo hành mẹ bằng lời nói, mẹ càng cảm thấy xa con và nhiều lúc nghĩ đẻ con thật rách việc. Mẹ càng tránh con thì con càng cảm nhận điều đó và càng đòi hỏi sự quan tâm, tình cảm từ mẹ ..... bằng cách la mắng bạo hành mẹ nhiều hơn. Đúng thật là 1 cái vòng lẩn quẩn.

Nhưng khi nút thắt đc cởi, khi mẹ chấp nhận mọi thứ thì dường như con cũng cảm nhận được sự biến chuyển năng lượng đó. Mỗi thứ 1 tí, mỗi ngày 1 tí, 2 mẹ con cự nự rồi làm hoà, mỗi ngày 1 bước tiến nhỏ.

Bây giờ là lúc con 5 tuổi rưỡi, có lẽ cũng là độ tuổi con bớt thái độ hơn. Sự kịch tính trong việc nuôi con cũng giảm bớt và 2 mẹ con lại quấn quít nhau thay vì chút là hờn, là quát nhau như dạo trước. Thôi viết thế đã, giờ mẹ phải thay đồ đi học nhảy. Đang bị cúm (con lây) nên có hơi ngại đi học.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.