15/8/2015 - Cập nhật mốc 24 tháng - căng thẳng nối tiếp căng thẳng và nỗ lực đưa con lại vào nếp

Từ lần cập nhật cuối cùng là lúc con 21 tháng đi học lại, từ đó đến bây giờ mẹ không có lúc nào viết thêm vì có lẽ đây là một trong những giai đoạn nuôi con khó khăn nhất từ trước đến giờ. Đi học được vài hôm là con bắt đầu bị ốm. Cũng chỉ là cảm thường thôi nhưng có lẽ con giống ba, khi ốm là cứ bết xết lết ra (ba mà cảm là nằm thẳng cẳng 1 chỗ nguyên ngày, thậm chí 2 ngày); rồi kèm với cả mọc răng, thời gian vừa qua cứ gọi là ác mộng đối với mẹ.

Từ khoảng 20 tháng là con đã có dấu hiệu quấy mọc răng như thường chỉ khoảng vài ngày trong 1 tuần. Khó ở, khóc lóc, khó chịu và ăn ít. Nhưng từ khi đi học và bị ốm thì con cứ bết rệt ra. Nào sốt, nào ho, người con con lúc nào cũng nóng hầm hập hầu như cả ngày. Hôm nào khoẻ thì cũng chỉ được 2 hôm là lại tiếp tục đợt mới. Cao điểm là từ tháng thứ 21 đến 23, trong suốt hơn 2 tháng liền không đêm nào con ngủ tròn giấc, một đêm con hò mẹ thức chục lần là chuyện thường, và 100% là ngủ trên người mẹ khiến sáng ra mẹ rêm hết cả mình mẩy.

Đây là giai đoạn con bắt đầu sút cân nhanh chóng, từ 10kg non ở lần kiểm tra định kì 20 tháng, đến 23 tháng thì cân cả quần cả áo cả bỉm cả giày cũng chỉ được 9.5kg. Con không ăn gì mấy và mẹ cũng không thể dỗ hay ép con ăn được dù đã bày các trò chơi. Những lúc thế này mẹ vứt hết luật lệ mà chỉ cốt cho con ăn được để có sức mà sống, mà chống chọi với virus nhưng con không ăn. Con chỉ thích bám chặt lấy mẹ cả ngày.

Đến tháng thứ 23 thì mẹ quyết định cho con nghỉ học ở nhà vì có tuần con đi ER của Royal Children Hospital đến 2 lần vì sốt cao, khóc gắt không dỗ được và thở gấp (cũng là do sốt cao). Và hầu như cách ngày (có tuần mỗi ngày) là phải uống nurofen giảm đau chứ không con khóc không dỗ được và sốt cao.

Sau khi nghỉ học thì con đỡ bệnh vặt hẳn và cả nhà chỉ còn phải chống chọi với các đợt mọc răng của con thôi. Thời gian này con đỡ hành mẹ buổi đêm hơn nhưng việc ăn của con thì vẫn cực kì bế tắc. Khi còn 1 tuần nữa là còn được 24 tháng thì mẹ con mình về Việt Nam. May sao ở Vn con lại chịu dì Nhật cho ăn nên mẹ phải gửi con sang nhà dì ở từ hôm về đến giờ. Nhờ vậy mà đến giờ con ăn trộm vía tỉ lần đã dần dần khá lại. Nhưng thói ăn thì mẹ không ưng vì tự ăn thì ít mà ăn rong và vừa ăn vừa chơi thì nhiều. Nhưng có lẽ trong giai đoạn này mẹ phải ưu tiên việc nhét đủ nhiều thức ăn vào bao tử để con bật lên đã, rồi thì đưa vào khuôn khổ sau, chứ hiện giờ là con đang ở mức suy dinh dưỡng báo động rồi.

Cứ yên ổn vào nề vào nếp được 2,3 tuần thì lại mọc răng, lại phá lịch, lại đòi mẹ ngủ cùng, lại khóc, lại ỉ ôi, lại mè nheo. Mấy hôm nay mẹ cảm nhận con đã ổn vì răng đã nhú nên mẹ lại đưa con vào kỉ luật. Sau vài lần thì mẹ đã khá có kinh nghiệm. Mẹ thường áp dụng 2 chiêu: 1 là nếu muốn khóc thì cho vào phòng khóc, 2 là cho con tự ngủ.

Mẹ trị tật khóc đòi của con như sau:
Công thức mẹ dùng là mềm mỏng nhưng kiên quyết và kiên trì. Hạn chế quát con tối đa nhưng mẹ biết dù có nói nhỏ nhẹ thì giọng cũng lạnh như bê tông . Nếu đã nói nhỏ nhẹ lại còn nghe như năn nỉ thì con sẽ không nhận được đúng thông điệp và sự nghiêm túc của mẹ trong vấn đề.
An: mẹ bế
Mẹ: mẹ không bế con đâu
An lập tức ngồi bệt xuống sàn và bắt đầu khóc ăn vạ
Mẹ (khi nói rất quan trọng phải nhìn thẳng vào mắt con và bắt con nhìn vào mắt mình. Tốt nhất là ngồi xuống ngang tầm mắt với con): sao tự dưng con cứ đòi mẹ bế? (mở bài). Con muốn thì con có thể tự đi mà (thân bài). Mẹ không bế con đâu (kết luận). (cố gắng giải thích 1 vấn đề trong vòng 3 câu. Ngày xưa mẹ có đọc 1 cuốn sách về mối quan hệ với bạn trai, họ khuyên có vấn đề gì thì cố gắng nói trong vòng 3 câu thôi, đến câu thứ 4 là đàn ông (nói chung) nghe không vào đầu nữa và đàn bà sẽ trở thành càm ràm. Giờ áp dụng luôn vào dạy con grin emoticon )
An (dĩ nhiên) khóc to hơn
Mẹ - lại lập lại thông điệp trên. Lần này thêm một câu cuối: mẹ nói không là không, không phải cái gì đòi cũng được đâu con
An vẫn khóc
Me: Con muốn khóc à? không sao, mẹ cho con vào trong phòng khóc một mình nhé. Con khóc ở đây mẹ nhức đầu lắm, không chịu được. (khi nói câu này rất quan trọng là phải giữ một thái độ hết sức bình thường và bình tĩnh, không răn đe, doạ nạt cũng không mời mọc, vui vẻ nhưng thể hiện sự nghiêm túc. Mình tôn trọng ý muốn của con là muốn được khóc vào lúc này vì không đạt được điều mong muốn - là được mẹ bế. Con có thể khóc nếu con thích, nhưng vào phòng khóc một mình để khỏi ảnh hưởng đến ai)
An khóc to hơn
Mẹ: con thấy mẹ nói với con nhỏ nhẹ mà con lại khóc to như thế. Ba và cậu không khóc, không ai khóc cả. Mẹ cho con vào phòng khóc khi nào xong rồi ra nhé (lập lại thông điệp - vào phòng mà khóc)
An bắt đầu gào
Mẹ: đi, mẹ đưa con vào phòng đi (bước này rất quan trọng, quyết định thành bại của cách dạy con. Nhiều bậc cha mẹ tập trung quá nặng vào việc doạ nạt răn đe nhưng không bao giờ thực hiện đến nơi đến chốn lời cảnh báo của mình)
Nói xong mẹ bế An vào phòng, bật đèn và đặt con lên giường. Mẹ ngồi xuống ngang tầm mắt, nhìn thẳng vào con và bảo: con ở trong này nhé, khóc tha hồ, đến khi nào xong thì ra chơi với mẹ
Mẹ đi ra ngoài, để đóng hờ cửa phòng. Lần đầu áp dụng pp này con còn ốm nên gào rống dữ lắm, còn chạy ra đập cửa thùm thụp. Nhưng sau đó thì chắc do mệt nên trèo lên giường ngủ luôn. Đến mấy lần sau khi con khoẻ hơn thì mẹ để cửa mở, con không chạy ra nữa mà cứ ở trên giường khóc. Hôm nào thấy khóc gào căng quá mẹ sẽ vào cứu nguy bằng cách nhắc con là: con có thể khóc tiếp hoặc nín và ra chơi với mọi người. Tuỳ con chọn.
Áp dụng khoảng 3,4 lần thì con hết hẳn. Lần nào mẹ cũng nhẹ nhàng, cứng rắn và kiên định đúng bài: giải thích ngắn gọn 2,3 lần, lần thứ 4 là bê bà con vào phòng.
Mẹ bắt đầu áp dụng thêm các biện pháp giúp con giải toả sự tức giận. Cho dù có hiểu thông điệp nhưng con vẫn có cảm giác bức bối, việc bắt con phải chối bỏ cảm giác đó thật ra rất không nên. Thay vào đó tớ muốn từ từ dạy con cách nhận biết và giải toả các cảm xúc.
Có nhiều cách để bé giải toả, có thể vẽ, ném vật tròn bằng bông hoặc đập vào gối. Hai mẹ con cùng ngồi xuống cạnh cái nệm
Mẹ: mẹ không bế An con bực lắm nên mới khóc gào đúng không? nếu vậy đập tay vào nệm cho đỡ tức nhé
An - tròn xoe mắt nhìn chưa hiểu bà bô bị làm sao
Mẹ: như thế này này (tay đập vào nệm) (mồm thuyết minh): mình muốn được bế mà mẹ không chịu bế, tức quá. (đập bộp bộp vào nệm) con thử xem
An - vẫn tròn mắt nhìn mẹ
Mẹ lập lại đến lần thứ 3 thì con cũng hào hứng đập theo. Hai mẹ con vừa đập mẹ vừa thuyết minh: đúng rồi, nếu bực tức khó chịu thì thay vì khóc con có thể đập vào nệm thế này này
Hiện giờ trời quang bể lặng cho mẹ nạp lại năng lượng. Con đã hết hẳn tật khóc ăn vạ, thi thoảng nói gì mẹ chưa kịp hiểu cũng lại định nhè mồm khóc, mẹ nhắc : khóc là vào phòng khóc nhé. Thì im ngay.

Ngoài biện pháp này ra thì việc con tự ngủ cũng là một nhân tố quan trọng không thể thiếu để làm nên 1 bé ngoan. 1 em bé biết tự ngủ nhất là giấc tối thì sẽ biết điều chỉnh cảm xúc của mình. Cách mẹ dùng chỉ là cho con khóc chán thì thôi. Thường khi con ngoan mẹ đọc sách xong và đi ra, con sẽ bai bai mẹ, và ngủ luôn. Thi thoảng thì ngêu ngao khóc một tí như để tự ru và ngủ một mạch đến sáng.

Lúc đầu khi vẫn còn quen kiểu thức đêm con cũng thức nhưng mẹ cho con khóc 2 tiếng liên tục và đến các đêm sau thì con ngủ thẳng mạch đến sáng. Hôm kia mẹ cũng cho con vào phòng, good night rồi đóng cửa đi ra, con lao theo khóc và khóc gào liên tục trong vòng gần 1 tiếng. Cũng may là chỉ khóc thôi chứ không rên rỉ "mẹ ơi" nên nói chung là mẹ nghe cũng hơi stress nhưng đã quen rồi. Chứ nếu con mà còn gào "mẹ ơi" nữa thì độ stress tăng lên gấp 10 lần. Đến sáng hôm sau con trở thành đứa trẻ hoàn toàn khác; đỡ khóc và bám mẹ hẳn.

Nhưng theo mẹ dự đoán thì còn phải luyện cho đến khi con thôi hẳn cái kiểu khóc đòi mẹ nằm cùng khi ngủ thì mới ngoan được. còn 4 cái răng nanh và 4 cái răng hàm trong chưa lên, mẹ thật hồi hộp đón chờ.

Thời gian này mẹ con mình ở Việt Nam với ông bà ngoại. Ông xót cháu gầy ốm và theo nếp gia trưởng cộng với việc vốn không ưa cách mẹ dạy con từ lâu, nay nhìn thấy cháu thế này ông lại càng khó chịu. Mỗi bữa cơm với mẹ thật đúng như cực hình vì ông cứ nói này nói kia, đồ thừa mẹ thế này thế nọ, rồi lên án, nói chung là đủ thứ. Lúc con không ăn thì ông cũng nói nào là mẹ không chịu ép con ăn, đến khi con ăn trộm vía đã được gần được như xưa (có bữa ăn 7 con tôm rồi nào là rau thịt các loại hay một mình con ăn hết cả 1 con gà ác hầm nhỏ) thì ông lại xoay sang đổ thừa là mẹ không chịu cho con ăn cháo để hấp thụ tốt hơn. Mà đã nói nhiều lần mà ông cố tình không nghe là từ bé đến tận 18 tháng tuổi là cơm con ăn toàn do mẹ nhá ra xong nhè lại nên làm gì có chuyện không chịu nhai nên không hấp thụ được như ông nói.

Mẹ cũng thấy rất khó khăn trong tinh thần ở giai đoạn này vì mẹ và cả ông bà không ai cho con ăn được. Cứ thấy mẹ là con giở trò "mẹ bế" rồi quậy, trong khi sang nhà dì thì ăn và chơi ngoan. Mẹ cũng không dám cho con đi trẻ dù mẹ biết con đến lớp cũng sẽ ngoan và vui nhưng các cô thì không thể nào kiên nhẫn xúc cho con như dì được chưa kể đi học thì bệnh vặt là chuyện thường nhưng con sẽ lại sốt liên tục và lại bỏ ăn. Và trong giai đoạn này việc cho được thức ăn vào bụng con được đặt thành ưu tiên hàng đầu nên việc đi học lại được tạm hoãn.

Hiện giờ mẹ chỉ biết gió chiều nào che chiều ấy, nhìn con mà lựa cách. Hôm nào thấy con khoẻ khoẻ thì đưa vào kỉ luật, bữa nào quấy quá thì lại thôi. Răng với lợi thật là rách việc quá. Con gái sinh ra đã bé tí lại còn bị bao nhiêu cái không thuận nào là dị ứng sữa, mỗi lần sốt là bết xết lết, mọc răng ốm rệt cả người. Hic cứ như vậy thì làm sao mà lớn được hả con ơi, mai mốt cao có mét ba mét tư thì lấy gì mà bù đắp :-( ?

Thời gian nay vì công việc nên mẹ con mình phải ở nhà ông bà, thôi mẹ con cùng cố gắng vậy. Con ráng ăn cho nhiều để khỏi suy dinh dưỡng và còn lớn nữa. Mấy tháng nay em bé ngoan của mẹ đã hoá thành "a little monster" rồi :-( .

Yêu con nhiều.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.