10/5/2015 - Minh An 20 tháng - con đã sẵn sàng để tập piano

Sau 3 tuần đẩy mạnh "chương trình" giúp con cảm thụ âm nhạc với kết quả khả quan, mẹ nghĩ đã đến lúc mua đàn thật để con tập, trước khi con trở thành con nghiện youtube; suốt ngày đòi xem video các bạn, anh chị chơi piano và guitar (bật bất cứ cái gì khác cũng không chịu); vừa xem vừa nghe vừa chơi đồ chơi, nhưng mẹ mà tắt đi là lại đòi bật, đòi từ lúc mới nhìn thấy mặt mẹ khi ngủ dậy và lúc đánh răng trước khi đi ngủ. Mẹ hạn chế chỉ cho xem buổi sáng, buổi chiều bắt ra vườn chơi, nhưng cơ bản mẹ thấy con ít ra ngoài chơi hẳn, thay vào đó thích xem hơn.

Trước khi bắt tay vào "chương trình" này mẹ không rõ bao lâu mới xây dựng đủ cảm hứng và sự thích thú để con ngồi vào đàn thật, có thể 6 tháng, 1 năm, thậm chí 2 năm. Thật sự kết quả chín muồi chỉ sau 2 tuần và sang tuần này là tuần thứ 3 mẹ có cảm giác con có dấu hiệu quá đà; chính vì thế mẹ quyết định đẩy tiếp sang bước sau, là mua đàn cho con tập.

Mẹ định đầu tiên 2 mẹ con sẽ chơi cùng nhau, bập bõm tí cho vui, kiến thức và kĩ năng thì miễn bàn, chủ yếu là để mẹ truyền cho con niềm vui thích. Đó cũng là cách mẹ đã và sẽ làm với con từ giờ đến mãi về sau cho dù việc đó là học chữ, tập thể thao hay đơn thuần là chơi ghép hình, mẹ sẽ luôn là người bạn đồng hành, là người truyền cảm hứng cho con và là người giúp con đi đến đích. Sau đó  khi mẹ thấy con đã sẵn sàng thì sẽ cho con học thầy. Một trong những video con thích xem là bài phóng sự về một chị chơi piano năm 2 tuổi, trong đó mẹ lưu ý thấy có thông tin là ở độ tuổi đó phải chọn thầy thật khéo, tốt nhất là các thầy chuyên dạy cho các bạn tuổi bé như con.

Ngoài việc thích xem video quá đà ra thì mẹ thấy con đã sẵn sàng qua những tín hiệu sau:

  • Sáng dậy đi qua phòng mẹ, cười, "chứa" (đòi uống sữa), lúc mẹ bế lên giường là ngay lập tức "á, á" (đòi mở video) và các ngón tay chuyển động giả bộ đánh piano
  • Việc con nghiện xem video thì khỏi cần đề cập lại, trong đời mẹ chưa bao giờ nghe piano cũng như nhạc cổ điển nhiều như bây giờ, ít nhất 3 tiếng mỗi ngày (vì dù không xem video nhưng con vẫn bắt mẹ bật lên để nghe) 
  • Rất hay giả bộ chơi piano ở bất cứ nơi nào có thể, trên bàn, trên bệ cửa, cầu thang, v...v.. Chơi như thật, nhập hồn, mặt mũi y chang như biểu diễn, chơi nhanh, chậm, chéo tay, kết thúc gục đầu xuống bàn phím, đủ cả
Cái gì cũng có thể làm đàn. Không biết đánh đâu nhưng phong cách biểu diễn thì rất chuyên nghiệp
Bóng đèn làm mic để hát

Video An đấu Beatbox với ba (21 tháng)
Video An oánh trống (21 tháng)


An đánh piano đồ chơi

Con cũng rất thích guitar, lâu lâu lại bắt mẹ đổi món, lúc thì xem chơi guitar, lúc thì piano, hôm trống, hôm sáo, hôm violin (violin có vẻ con ít thích chơn cả). Hôm nọ mẹ mới lôi cái trống đồ chơi (mua từ khi con 10 tháng) ra và bật video em bé đánh trống cho con xem thì con có vẻ quan tâm cả trống nữa. Dần dà rồi mẹ sẽ mua (đồ chơi) và cho con xem video các loại nhạc cụ khác; mẹ nghĩ nó sẽ rất có ích để rèn thính giác cho con, giúp con phân biệt âm thanh nào là của nhạc cụ nào.

Con có sự quan tâm sớm đến âm nhạc như thế là mẹ rất mừng, có lẽ tất cả những việc nhỏ nhặt mẹ kiên trì làm từ lúc con bé đến giờ đã phát huy tác dụng?!?! quả thực không bao giờ mẹ nghĩ chỉ sau 1 lần giới thiệu về piano qua clip là con đã hứng thú, đến ngày thứ 2 chủ động đòi mẹ bật (chứ không cần mẹ mồi), sau 1 tuần ngày nào cũng phải xem, sau 2 tuần đã có dấu hiệu sẵn sàng để ngồi vào đàn thật.

Vậy mẹ con mình cùng điểm lại những "việc nhỏ nhặt" đó là gì nha:

Lúc mang thai:
  • Hồi đó mẹ không thích nhạc cổ điển đâu, nghe chịu không nổi nên mẹ thường hay bật nhạc nhẹ nhàng của Nora Jones, Olivia Ong hay Emi Fujita để mẹ con cùng nghe. Mỗi lần mẹ ngồi làm việc là lại mở, nhưng đôi khi cũng tắt đi vì cần tập trung


Sau khi sinh con xong:
  • Mỗi lúc đặt con ngủ là mẹ lại bật nhạc. Lúc đầu mẹ bật piano, sau chuyển sang âm thanh trắng (white noise) là tiếng mưa, rồi lại chuyển lại piano. Một thời gian sau mẹ để ý thấy khi mẹ bật piano thì dường như con nghe và thời gian con ngủ lâu hơn hẳn, thế là mẹ chuyển luôn sang white noise. 
  • Từ hồi có sáng kiến mở white noise thâu đêm thì con đỡ giật mình, đỡ khóc đêm và mẹ cũng thấy mình ngủ sâu hơn hẳn, thành thử ra từ đó đêm nào cũng bật cho cả nhà cùng nghe, ... cùng ngủ :-D
  • Giờ khi con 20 tháng (ngủ nghê đã đi vào nếp tốt, chỉ dậy đêm khi grow spurt đói và đòi ăn), khi con ngủ nap ban ngày mẹ bật lại piano cho con, hôm thì thay đổi với giọng ca êm đềm của cô Emi Fujita
  • Tối khi con ngủ thì trong 2 tiếng đầu mẹ để lại piano, sau đó đổi sang tiếng mưa và để đến sáng


Giai đoạn từ 9 đến 13 tháng:


  • Mua và làm cho con các đồ chơi về âm nhạc, mẹ cố gắng tìm mua đầy đủ các loại nhạc cụ và nghĩ rằng con có thế chơi đến năm 3 tuổi nên cứ thấy ở đâu đồ đẹp, sale là mẹ vác về (dù con chưa hứng thú)
  • Con đặc biệt thích món đồ chơi mẹ tự làm, đó là các hộp nhựa (loại với nắp đóng cực chặt để con không mở ra được) trong đó mẹ để các món đồ khác nhau. Hộp thì mẹ để sợi mì ý, hộp thì có các hạt nhựa bé, v..v.. khi con lắc, các hộp sẽ phát ra các tiếng khác nhau




  • Tài sản đồ chơi âm nhạc của con được mẹ cất gọn vào 1 hộp carton, ngày xưa thì chơi hàng ngày, giờ lớn hơn thì chơi luân phiên với các đồ chơi khác





  • Với bộ chuông nốt nhạc (như hình dưới) thì hầu như ngày trong tuần nào mẹ cũng duy trì 2 tour của bài "The sound of music" cho con nghe, vừa bật nhạc mẹ vừa hát theo (may quá bài này mẹ thuộc cách đây chục năm rồi), vừa hát vừa cố gắng (hơi có chút cường điệu) vẻ mặt thể hiện sự nhập tâm với (sự thật là mẹ cũng rất thích phim này), đến nốt nào thì mẹ mồm hát tay gõ vào chuông của nốt đấy cho con. Đọc tài liệu GDS của bà Stoner thì ngày nào bà cũng dạy con theo cách này, 6 tháng tuổi Winfrey đã phân biệt được màu sắc. Đến giờ con vẫn chưa phân biệt được màu (chả hiểu sao nhận diện hình chỉ học trong 1 tuần mà màu sắc mãi chả vào đầu :-D) nhưng mẹ nghĩ ít nhiều mẹ cũng truyền được cho con tình yêu âm nhạc. Thường thì con sẽ tập trung nhìn mẹ khoảng 1 phút đầu, sau đó là nguẩy đít đi bò đi chơi cái khác và thi thoảng mới nhìn mẹ, nhưng mẹ vẫn hát, vẫn gõ chuông và vẫn biểu diễn nhập tâm như một nghệ sĩ thực thụ. Sau 12 tháng thì con không còn thích bị gò bó trong khu chơi nữa, lúc đó con con bắt đầu tập đứng và muốn đi quanh nhà nên chương trình ca nhạc cũng từ đó bị gián đoạn





  • Ngoài ra mẹ còn rất hay biểu diễn văn nghệ phường cho con xem mỗi lần con ngồi ăn. Mẹ bật nhạc, rồi múa ba lê, nói chung là xấu lắm, như vịt trời gãy cánh, nhưng con xem vẫn thích mê, cười khoái trá. Mẹ muốn cho con thấy là ngoài đi đứng, cơ thể con người còn có thể nhảy múa, và ngoài nghe nhạc chay thì mình có thể múa theo. Mỗi khi nghe nhạc với con  mẹ còn hay gật gù thưởng thức, chả thế mà mỗi khi có tiếng nhạc lên là con lại gật gù, làm mỗi lần đi ra ngoài ăn ai thấy cũng buồn cười. Đến giờ con vẫn có thói quen ấy, ngay cả khi con "chơi" guitar, piano hay trống con cũng gật gật đầu, nhìn rất phủ phê :-)


Giai đoạn 14 đến 19 tháng:
Thời gian này con biết đi, biết chạy nên không còn hứng thú với việc ngồi yên một chỗ nghe nhac mà muốn tung bay để khám phá thế giới xung quanh.

Giai đoạn 20 đến 21 tháng:

  • Lúc này An đã phần nào nguôi ngoa sự yêu thích chạy nhảy và chỉ sau 1 lần mẹ giới thiệu con với các video chơi nhạc cụ trên youtube, con bị hấp dẫn ngay
  • Và để hướng sự yêu thích của con vào các bài trình diễn (tránh xây dựng ở con sở thích ngồi dán mắt vào màn hình và thay vì xem hoạt hình thì xem ca nhạc) mẹ đã "xem" cùng con. Vừa xem vừa diễn giải cho con nghe "An xem các ngón tay của bạn lướt trên phím đàn kìa, thật điêu luyện đúng không?", "con để ý mặt của anh/chị nhé, nhập tâm không kìa", và dĩ nhiên cùng với lời tường thuật mẹ luôn làm điệu bộ. Rồi mẹ con giả vờ lấy ngón tay làm nhạc trưởng "chỉ" theo các nốt nhạc được đánh ra, khi nhộn nhịp vui tươi, khi cao trào, lúc trầm lắng. Mỗi lần như thế con nhìn mẹ say mê như nuốt từng lời, từng động tác. Bây giờ mỗi khi ngồi nghe nhạc là con tập trung lắm, miệng cười theo các giai điệu tươi vui, tay "đánh" theo bài nhạc
  • Và có lẽ nhờ vậy mà con biết cảm nhận hơn chăng? mẹ để ý con chỉ thích những bài đồng tấu, biểu diễn với giai điệu tươi vui, các bài buồn đều bị con nằng nặc đòi đổi 


Hiện giờ con được 21 tháng, một ngày con được nghe youtube khoảng vài tiếng vào buổi chiều. Sáng nào con cũng đòi nhưng mẹ bảo "các bạn đi ngủ rồi", để hạn chế thời gian xem của con. Vào gần giờ nấu cơm chiều mẹ sẽ bật cho con xem, thường con xem khoảng vài video là tâm trạng vui vẻ hơn (dù đã đói) và hôm nào phấn chấn sẽ cùng mẹ chuẩn bị cơm tối (dù không xem nữa nhưng vẫn phải để video cho có tiếng nhạc trong nhà, hết nhạc là con lại đòi bật). Thường mẹ sẽ cắt mồi rau trước cho con và để con tự cắt rời chúng ra. Kĩ năng cầm dao của An có tiến bộ đáng kể.

Con thường xem rất tập trung khoảng một chục (có khi hơn) video, và sau đó là chạy đi chơi, thi thoảng mới đảo qua xem một chút. Hết nhạc thì lại giục mẹ bật tiếp.

Cắt chán thì mút, ăn chán thì bôi chét đầy mặt

Kế hoạch cho tương lai gần:

Mẹ nghĩ chắc mẹ sẽ đầu tư cho An một cái piano và mua cho con 1 cái đàn ukelele be bé để con chơi. Trước mắt sẽ là mẹ con chơi với nhau trước rồi khi nào con sẵn sàng thì mẹ sẽ cho con học thầy, có sớm nhất chắc cũng phải 3 tuổi, cho hết sài đẹn, ốm đau răng lợi. 

Việc cho con học piano từ nhỏ thế này cũng là cả một vấn đề to đùng cho mẹ tha hồ nghiên cứu vỡ đầu. Nào là nên học với con cách nào, chọn thầy ra sao, chọn đàn ra sao. Nó khó là vì ít người cho con học từ lúc nhỏ thế này nên mẹ không thể gặp ai cũng hỏi, khó là vì nhiều người nghĩ cứ phải 4, 5 hay 6 tuổi thì mới nên cho con học nên thường chỉ nhận dạy trẻ lớn hơn (mẹ thì thấy miễn con có dấu hiệu sẵn sàng là ổn, bất kể tuổi tác). 

Mua đàn gì cho con cũng là câu khỏi hóc búa, mỗi người một ý kiến, quan điểm, mẹ chóng hết cả mặt. Cuối cùng mẹ đành liên lạc thẳng với chị Emily Bear - thần đồng piano và sáng tác, để hỏi ý kiến, vì chị cũng bắt đầu chơi piano từ năm 2 tuổi. Chị đã khuyên mẹ nên mua cho con piano thật (không phải loại điện) và nên theo chương trình thuê rồi mua. 

Việc mua đàn đã bước đầu được giải quyết, nhưng mẹ biết việc dạy con rồi cũng sẽ là khó khăn cho mẹ. Nhưng không lo con nhé, nghĩ không ra mẹ sẽ lại viết tâm thư cho bà của chị Emily, nghệ sĩ piano, người thầy chuyên dạy cho các tài năng nhỏ tuổi, và cũng là người đã khám phá ra năng khiếu của cháu gái mình. Sau khi biết chị Emily có năng khiếu của thần đồng bà đã phải chọn thầy rất kĩ, đúng thầy tài năng của chị Emily đã nở rộ như một bông hoa. Với kinh nghiệm và lòng yêu nghề, mẹ rất hi vọng (nếu mẹ hỏi) sẽ nhận được hồi âm của bà.

Mẹ không áp lực con phải giỏi như thần đồng, nhưng mẹ luôn quan niệm đã làm cái gì thì làm cho đúng cách, làm cho đến nơi đến chốn, và tìm đúng chỗ để hỏi kinh nghiệm. Đầu tư kĩ như vậy nhưng mẹ không có ý định biến nhạc thành thú vui duy nhất của con đâu. Còn bao nhiêu thứ hay ho nữa nhé con gái, vẽ này, thể thao này, nhảy này, học diễn xuất này. Mẹ chả đã lên hẳn một chương trình cho con rồi còn gì nhỉ, mẹ con mình cứ từ từ mà cùng nhau tận hưởng :-D

Yêu con của mẹ nhiều :-)




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.