2/4/2015 - Cha mẹ đã yêu con sai lầm như thế nào? - Kì 1: Các vấn đề về ăn uống

Cha mẹ nào mà không yêu con, nhưng không phải ai cũng yêu con một cách đúng đắn. Mở đầu cho các bài viết về chủ đề nhạy cảm này là vấn đề về ăn uống.


Dông dài mà lại rất có liên quan, mẹ xin kể sơ lược về quá trình ăn uống của Minh An. Sinh đủ ngày đủ tháng (37 tuần 5 ngày) nhưng con chỉ có 2.1kg thôi. Bác sĩ bảo chỉ cần nhiệt độ tụt 1 lần là vào nằm dưỡng nhi ngay, mẹ nằm viện 5 ngày 4 đêm và y tá cứ mỗi khoảng 2 tiếng lại vào đo nhiệt độ cho con.

Trộm vía dù nằm một mình một cũi không cần mẹ ôm tẹo nào nhưng con không hề giảm nhiệt độ, từ thời khắc đó mẹ đã biết là con có gen của nhà nội, chứ mà giống mẹ thì chắc đã vào dưỡng nhi từ lâu rồi. 3 tháng sau là con đã bắt kịp biểu đồ phát triển của bé sinh 2.9kg.

Mọi vấn đề rắc rối từ tháng thứ 4 khi mẹ cho con uống sữa công thức hoàn toàn (sau này mới biết là dị ứng sữa bò và sữa đậu nành dạng delay - chậm phát). Từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 10 con hầu như không ăn thô mấy, chỉ uống sữa. Sau tháng thứ 10 trộm vía con bật hẳn lên và ăn tốt, nhưng đến tháng thứ 12 vẫn chỉ có 8kg.

12 đến 18 tháng con ăn lúc lên lúc xuống. Ăn tốt một tháng, sau đó lại chán khoảng 1 tháng, rồi lại tốt. Mẹ để ý từ 18 tháng đến giờ là vừa tròn 19 tháng con trộm vía ăn vẫn rất tốt. Bữa ăn ít bữa ăn nhiều nhưng bù qua bù lại, và quan trọng nhất là lúc ăn con vui lắm, vui như chơi đồ chơi vậy. Con thích tự xúc, vừa ăn vừa ca hát, tự cười đùa, nhìn thấy gì cũng đòi ăn, không cho là khóc dữ lắm. Bây giờ đến bữa là mẹ nhàn rồi, mẹ và con cùng ngồi vào bàn, ăn cùng nhau. Còn bữa chiều thì con tự ăn, mẹ làm gì thì làm, lâu lâu lượn qua kiểm tra và đơm thêm thức ăn thôi.

Con như thế thử hỏi cha mẹ nào mà không mừng, không vui. Nhưng để được như ngày hôm nay thì hoàn toàn không phải là câu chuyện đơn giản và gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tiên mẹ cho con ăn dặm. Có một vài quan niệm mà mẹ nghĩ người lớn hay gặp khiến việc yêu con trở nên sai lầm.

1. Bắt con ăn cháo quá nhiều và quá lâu:
Từ thời ông bà, bố mẹ và thậm chí có cha mẹ trẻ bây giờ vẫn nghĩ rằng con không có răng thì phải ăn cháo, ăn cháo mới dễ tiêu. Đã có răng rồi thì vẫn ăn cháo, cho dễ nhai, dễ nuốt, cho ăn được nhiều. Và cho con ăn cháo đến tận hơn 2 tuổi dù con có thích hay không.

Họ quên mất rằng dù bé nhưng con cũng có sở thích riêng (cái thích ăn cái không thích ăn), dù chưa nói được nhưng không có nghĩa là con chịu nổi việc phải ăn cháo/cơm nát hết bữa này qua bữa khác. Hệ quả của việc này là làm cho con sợ ăn và trở nên kén ăn vì từ nhỏ chỉ quen 1 loại thức ăn nhất định. Con phản kháng không chịu ăn thì nhồi nhét, cưỡng bức, đánh đòn.

Hồi đầu khi mẹ không cho con ăn dặm bằng cháo hay cơm nát theo kiểu truyền thống thì ông ngoại và bà nội con cứ gọi là như ngồi trên đống lửa. Suốt ngày hêt lo lắng đến chỉ đạo, thấy con không tăng cân thì trách móc và kết cục lại là "về Vn tao nuôi cho là xong ngay".

Nhờ cho con ăn búa xua (kết hợp BLW và ADKN), với độ thô tăng theo từng thời kì (chứ không phải theo như số răng trong mồm con, ít răng thì phải ăn cơm nát), trộm vía giờ cái gì con cũng ăn được, cũng đòi ăn và chỉ thích ăn nhạt.

Không phải bé nào cũng dễ ăn như bé nào, còn có yếu tố thể trạng trong đó, nhưng nếu chỉ bắt con ăn cháo và cơm nát đến tận 2 tuổi, thậm chí hơn thì mẹ nghĩ thật là .... tội cho con quá (trừ các bé không ăn thô tốt, ăn vào là nôn ra).

2. Bắt ép con ăn, biến bữa cơm thành nỗi sợ hãi:
Đến tận khi con 15 tháng mẹ chưa khi nào để con thôi một cách dễ dàng. Mẹ sợ nhiều thứ, sợ con còi, sợ con suy dinh dưỡng, sợ con lùn, v...v... Khi con tỏ dấu hiệu không muốn ăn thì mẹ luôn tìm các cách để dụ như chơi những trò chơi nhỏ, mẹ hát cho con nghe. Hồi con còn bé thì có vẻ có tác dụng, nhưng khoảng tháng thứ 13 đổ ra thì hầu như con không hứng thú nữa. Đã thôi là thôi. Nhưng những hôm nào con ăn chưa đủ bữa mẹ vẫn luôn dụ.

Cơ mà mẹ DỤ thôi, không hề ép. Nếu thấy dụ mà con ăn tiếp thì dụ tiếp, còn nếu con lắc đầu quầy quậy hoặc hơi khóc hay nhè cơm là mẹ NGƯNG NGAY. Vì mẹ đã không biến bữa ăn thành bữa tra tấn nên qua giai đoạn 17 tháng là con trộm vía bật hẳn lên, và bây giờ đối với con giờ ăn thú vị không kém gì giờ chơi.

Qua kinh nghiệm mẹ nhận thấy những hôm nào con dễ ăn thì ăn gì cũng được, 2 bữa cơm giống nhau cũng được, còn đã không thích ăn thì một bữa có đổi 3,4  món (như mẹ đã từng làm) con cũng không ăn, nên không việc gì phải xoắn. Bây giờ chỉ cần thấy con nhả cơm, nghich thức ăn hay mẹ hỏi con có ăn nữa không mà con lắc đầu là mẹ dẹp luôn. Bữa sau ăn bù.

Nếu để việc ăn uống trở thành nỗi kinh sợ của con thì tội của cha mẹ lớn lắm đó, vì ăn uống có phải là nhu cầu đầu tiên và cơ bản của con người !?!?!

3. Cái gì mình không thích thì cũng không cho con ăn:
Đây là thói quen của khá nhiều bà mẹ, mình không thích ăn gì thì cũng không mua về nấu cho con. Có người mẹ biết khi ăn táo không thích ăn vỏ "vì vỏ táo cứng" nên khi gọt táo cho con cô ấy cũng gọt luôn vỏ dù con đã hơn 3 tuổi, lý do "vỏ táo cứng thế làm sao nó ăn được". Đã phải mất bao tiền để mua hẳn táo Mỹ mà còn không cho con ăn cả vỏ trong khi một là vỏ táo có nhiều vitamin, 2 nếu cho con ăn kiểu đó nó sẽ thành đứa trẻ khó ăn. Hôm đó mẹ đã nhận luôn nhiệm vụ gọt táo cho con cô ấy ăn. Hoá ra bé đấy có hề sợ ăn vỏ đâu, nhưng khi thấy mẹ đưa cho miếng táo còn vỏ thì hỏi ngay "vỏ táo có cứng không cô?". Để bạn quên việc vỏ táo đi mẹ đã gọt táo thành những miếng thật mỏng và xếp thành hình bông hoa, bạn vui vẻ ăn liên tục, và không hỏi thêm bất cứ câu nào về cái vỏ táo.

Đôi khi cha mẹ hay than phiền về "con khó ăn" mà lại không biết chính mình là một phần nguyên nhân của việc đấy.

4. Thiếu kiên trì:
Trong một thời gian dài việc ăn của con cứ lên xuống như giá vàng. Mẹ lo lắm, ông bà áp lực dữ lắm, mẹ stress, mẹ sợ con suy dinh dưỡng nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ mẹ bắt con ăn và luôn kiên trì bám víu vào phương châm: nếu con không thích ăn thật thì mẹ cũng phải học để chấp nhận việc đó chứ không bao giờ ép con.

Nhờ sự kiên trì đó mà giờ đây thành quả nhìn thật là hả hê (trộm vía tỉ lần nhỉ).

5. Ăn cho đến khi nào tăng cân thì thôi:
Một quan niệm sai lầm để người ta làm khổ nhau. Cái thời hệ tiêu hoá của con chưa lành do dị ứng sữa, ăn không hấp thụ, trộm vía ăn tốt mà vẫn bé tẹo teo (giờ đỡ hơn nhưng vẫn bé). Mẹ lo nhưng cắn chặt môi không dám than nhiều với ông bà sợ ông bà xót cháu, trong khi ông bà thì mỗi lần chat nhìn thấy con là thở vắn than dài "nó gầy quá" "suy dinh dưỡng đến nơi rồi". Mẹ bảo "nó ăn nhiều lắm", ông bảo "ăn nhiều sao không tăng cân? vậy chưa phải là nhiều đâu". Rồi nào là bà ngoại bắt mẹ đổi gạo nấu cơm, chỉ đạo phải nấu cái này cái khác. Cuối cùng kết luận là mang về VN ông bà nuôi cho. Đấy cứ phải làm khổ nhau như thế đấy, cứ như là việc con không tăng cân chưa đủ để làm mẹ lo lắng.

Trước kia khi phân con luôn nát thì mẹ hay lo lắm, nhưng từ lúc output của con tốt hơn thì mẹ biết là hệ tiêu hoá của con đã dần hồi phục, kể từ đó mẹ bỏ được tảng đá đè trên ngực về chuyện ăn uống của con. Từ đó chỉ cần con ăn đủ lượng, đủ chất, ăn vui vẻ, thích thú; còn cân không tăng được nhiều thì còn là do khả năng hấp thụ của từng cơ thể.

Kết luận lại là các mẹ định nuôi con theo BLW hay ADKN hãy kiên tâm và kiên trì theo đuổi giá trị cơ bản của 2 phương pháp đó, tôn trọng con và sở thích ăn uống của con. Đến giờ phút này mẹ mới tự tin để khuyên các mẹ đi sau điều đó. Hãy bớt lo sợ, bớt stress. Và cũng đừng để tâm đến những lời bàn ra tán vào. Nếu bạn tỉnh thì sẽ nhận thấy rằng chính những người chê bai hay nghi ngờ cách bạn cho con ăn dặm lại có những sản phẩm hoàn toàn không như ý đồ giáo dục của bạn (vd một người bà chăm được cô cháu gái thật bụ bẫm nhưng hơn 3 tuổi vẫn chưa biết tự xúc hay một người mẹ có con đến bữa vừa ăn rong, vừa ăn èo uột lại vừa kén).

Tôn trọng con và cách ăn uống của con không những là nền móng cơ bản của một em bé độc lập, nó còn là những viên gạch đầu tiên xây dựng niềm tin giữa mẹ và con cho các việc lớn hơn sau này.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.