24/3/2015 - Cách mẹ Minh An luyện thói quen quan sát cho con (từ 12 đến 18 tháng)

Tuần trước mẹ đã viết bài về khung chung trong việc đồng hành cùng con, hôm nay mẹ sẽ viết kĩ hơn về cách mẹ đã và sẽ làm để cùng con xây dựng và rèn luyện thói quen quan sát.



Chỉ và gọi tên các đồ vật:
Là bước mẹ làm sớm nhất và cũng là bước nhàm chán nhất. Từ khi con 9 tháng đến tận hơn 1 tuổi, mẹ luôn chỉ cho con các đồ vật và gọi tên. "Cái này là cái bàn này con", "đây là cái ghế", v...v. Nói chung là rất chán vì chính xác là độc thoại, đôi khi con còn chả nhìn. Nhưng sau đó mẹ biết con "nhập liệu" hết, vì chỉ khoảng tháng thứ 12, khi con chưa biết nói (giờ 19 tháng vẫn bập bõm), khi nghe mẹ bảo "con uống xong nước thì để lên ghế", là con biết, đứng bám ghế và cất chai nước lên. Cũng như việc biết "cất giày lên kệ" sau khi cởi ra.

Và dĩ nhiên mẹ cứ phải nói đi nói lại hoài đến phát chán, rồi lại đọc các bài về GDS để tự lên giây cót, và lại tiếp tục nói .... một mình. Giờ thì mẹ biết rồi, không những lúc đó con "nghe" hết mà việc mẹ nói hằng ngày còn xây dựng cho con thói quen quen sát, ý thức được về sự tồn tại của đồ vật xung quanh bằng tên gọi của chúng.

Chỉ ra sự giống nhau của 2 đồ vật:
Bước tiếp theo mẹ làm là cho con chơi puzzle (xếp hình). Khi con 12 tháng mẹ mua bộ xếp hình này về vứt vào cũi để con chơi sau khi ngủ dậy. Thời gian đầu con chỉ hứng thú bấm cái nút cho nhạc kêu.


May mắn thay cùng lúc đó mẹ còn mua được cả bộ sách cùng chủ đề với bộ xếp hình. Mẹ mở sách cho con xem, đến trang nào có những có thú giống với bộ xếp hình thì mẹ để con thú bên cạnh trang sách và nói "con nhìn xem, con hươu cao cổ này giống trong sách này" hay "đây có phải chính là con sư tử trong sách không, nó cũng màu vàng này, bờm đỏ và mũi to này"

Và kì thực mẹ chỉ nhớ làm việc so sánh đó có 2 lần vì nghĩ nói cho có thôi chứ con nhỏ quá làm sao biết nhìn ra vật giống nhau được. Vậy mà chỉ tầm 1 tháng sau trong lúc đọc sách với con, khi mở đến trang có con hươu cao cổ thì con cũng lật đật vớ con hươu của bộ xếp hình để bên cạnh rồi chỉ chỉ. Lúc đó mẹ mới ớ người, thì ra là con nhớ hết. Và cũng từ đó con xếp thạo bộ này, biết con nào để vào đâu, chỉ là chưa xoay được cho khớp. Rồi các bộ xếp hình cơ bản khác mẹ mua con cũng làm được hết, kể cả bộ xếp số, xếp hình. Thi thoảng khi xếp con xếp nhầm, nhưng thường là không sai hoàn toàn mà vẫn đúng màu. Và mẹ biết là con đã có để ý về sự giống nhau về hình dạng hoặc màu sắc. Lúc đó con 15 tháng. 

Trò chơi gọi tên và tìm đồ vật: 
Con mê đắm cuốn sách Home - Usborne Look and Say, mà phường tặng khi con đi khám định kì 4 tháng. Con có thể xem mê mải nó từ hồi đó, cứ vừa bú sữa vừa xem, 1 lần ăn toàn 240ml. 



An đã biêt được gần hết tên của các đồ vật trong trang này (và các cuốn sách khác). Cái sink thì chưa biết vì mẹ chả biết dịch tiếng Việt là gì, gọi là cái "bồn rửa bát" thì dài nên có lẽ con không hứng thú mà nhớ

Khi khoảng 10 tháng mẹ mua cho con thêm các cuốn khác của dòng Look and say và đó là các bài học thú vị của con về tên đồ vật, đến giờ con vẫn đam mê và bắt mẹ đọc mỗi ngày. Trước kia con chỉ xem một cách vô định, có lẽ vì màu sắc đẹp. Nhưng 18 tháng thì con đã chỉ từng đồ vật và bắt mẹ nói, đúng như một cái máy. 

Mẹ con rất hay chơi trò tìm đồ vật ở trang bên. Ví dụ ở trang có các đồ riêng lẻ mẹ sẽ nói cho con tên đồ vật, khi mẹ hỏi "cái ghế đâu?" thấy con chỉ trúng thì mẹ tiếp tục tăng độ khó của trò chơi lên. Mẹ sẽ bảo "đúng rồi, thế An xem ở trong trang bên phải này (lấy tay khoanh vòng trang phải) thì cái ghế ở đâu?". Lần đầu tiên con đứng hình, mẹ giúp con "cái ghế đây này, con thấy 2 cái ghế giống nhau không?". Con chỉ đứng hình 3 lần thôi nhé, đến lần thứ 4 là biết.

Và cứ thế mỗi ngày mẹ lại vừa dạy con từ mới vừa hỏi "thế trong trang này cái túi/con cá/cái thuyền ở đâu?". Có nhiều bạn nhỏ khi mẹ bảo đi ngủ thì rất khó chịu, An cũng thế, nên thay vì đi ngủ thì mẹ bảo "đi đọc sách nào", là An vui vẻ bai bai Ba vào cũi nằm để nghe mẹ đọc. Thường hai mẹ con học và chơi với sách khoảng 30 phút mỗi ngày trước giờ con đi ngủ.

Các hình dạng khác nhau của cùng 1 đồ vật:
Để làm tăng sự hiểu biết và thú vị, thay vì chỉ có chỉ hình trong sách mẹ còn mua cả gần 1000 cái flash card các loại. Ép plastic cắt tỉa gọn ghẽ, mỗi lần đọc cho con mẹ sẽ lấy cả hình minh hoạ bằng flash card nữa. Mỗi lần sẽ có các hình khác nhau vì mẹ mua nhiều bộ card nên cùng hình con dê sẽ có 2, 3 cách vẽ khác nhau


 Mỗi lần như thế mẹ sẽ nói "con xem con này cũng là con dê này, có 4 chân, 2 sừng này, giống nhau không?". Mẹ luôn lặp đi lặp lại từ khoá "giống nhau không" hay "cái này màu gì?", hay "hình này hình gì?" để con phân biệt các tính chất của đồ vật.

Vất vả cho mẹ ngồi lọ mọ tìm chỗ mua giấy ép giá tốt, cặm cụi ép và cắt cho con. Nhưng bù lại mỗi lần xem là cả niềm vui mà qua mắt con mẹ có thể nhìn thấy rõ ràng. 

Và khi đi dạo mẹ cũng mang theo một ít flash card và sách, trên đường thấy gì cũng chỉ cho con, để con hình dung được cái cây, con chim thật thì ra sao mà khi vào trong sách thì sẽ thành như thế nào. 

Sách nói và thói quen hỏi:
Ngoài sách hình ra mẹ còn mua cho con cả cuốn sách nói này. Khi con nhỏ chưa tự bấm được thì luôn "ư ư" nhờ mẹ bấm hộ. Và có lẽ từ đó con quen với khái niệm cứ bấm là nói nên 18 tháng con cũng "hành" mẹ y xì, làm như mẹ là cuốn sách nói vậy đó.  Cứ chỉ vào từ nào là "ư ư" bắt mẹ nói, mà nào có phải nói một lần, vừa nói xong là con lại chỉ chỉ "bấm nút", mẹ lại nói tiếp. Một hình phải nói 5 lần là chuyện thường. Vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt, giọng phải say mê và lên xuống chứ nào có phải nói cho xong chuyện. 


Sau 1 tuần hành hạ mẹ kiểu đó thì con đã "học" được tất cả các hình trong cuốn sách này. Kể từ đó trở đi mẹ để ý có nhiều hình như ông mặt trời, cái vợt, con sao biển thì chỉ cần nói 3 lần là con nhớ. Tuy nhiên cũng có nhiều hình khác nói hoài mà con vẫn quên. Có lẽ hình nào thích thì con sẽ nhớ nhanh hơn. Đặc biệt các hình mà con nói được (dù ngọng líu ngọng lô) thì con thích chỉ và nhớ nhanh nhất. Riêng số và chữ thì vẫn gần như dẫm chân tại chỗ hi hi. 



Quan sát các đặc tính của đồ vật:
Bây giờ thì không những chỉ tên đồ vật mà mẹ con mình còn chơi trò chỉ ra đặc tính của đồ vật, ví dụ như cái bát hình gì, màu gì. Do con chưa nói được nên mẹ cho con dùng luôn học cụ. Vd khi mẹ hỏi cái bát hình gì thì con sẽ chỉ hình tròn trong tờ giấy về màu mà mẹ làm cho con hay cuốn sách về hình, rồi mẹ hỏi các bát màu gì, thì con sẽ chỉ màu. 

Lúc đầu khi con chưa biết cách chơi mẹ sẽ làm mẫu, "An ơi cái chảo này hình gì?", mẹ dùng ngón tay vẽ theo viền chảo hình tròn "chảo hình tròn, con xem này, có phải tròn không?". Một vài lần khi con bắt đầu quen thì mẹ làm như thế với màu sắc. 

Và đến thời điểm 19 tháng con đã bắt đầu biết phân biệt màu và biết một vật vừa có thể là cái chảo, vừa có thể hình tròn và có cả màu xanh. 

Trò chơi tìm đồ vật trong đống hỗn độn:
Đây là trò chơi không những giúp tinh mắt mà còn rèn khả năng tập trung. Mỗi lần chơi là con tập trung dữ lắm. Cũng với những cuốn sách Usborne Look and say, nhìn vào bức hình bên tay phải mẹ sẽ hỏi con "con cua ở đâu?" "con chim đâu?". Chơi một tẹo khi con có dấu hiệu mất tập trung là mẹ ngừng luôn, vài phút sau hay lúc khác chơi lại



Qua quan sát hành động thực tế: 
Có lẽ không gì bằng cách học qua quan sát. Thực tế là các con luôn "học" bằng mắt một cách vô tình hay cố ý. Mẹ nhớ hồi con 15 tháng khi bà trẻ gửi cho con bộ cắt đồ chơi từ Mỹ về, con loay hoay không biết chơi, mẹ chỉ con cũng không hứng thú. Mấy tháng sau khi ba đóng cho con cái ghế để đứng bếp cùng mẹ, nhìn cách mẹ cắt, nghe mẹ chỉ dẫn "An nhìn này, đầu tiên dùng 1 tay giữ, tay kia cắt", thì con có tiến bộ đáng kể. Bước tiếp theo mẹ lấy con dao nhựa đồ chơi của con để luôn lên mặt bàn bếp, mỗi lần mẹ cắt gì mẹ cho con làm luôn. Khi cắt củ mẹ cắt gần đứt và đưa lại cho con cắt. Chỉ khoảng 2 tuần từ chỗ còn lóng ngóng con đã biết "cắt" rất chuyên nghiệp.





Thành quả:
Tuy không phải là quá sớm nhưng con đã bắt đầu nhận biết được nhiều tên đồ vật, hình dạng và vài hôm gần đây có tiến bộ về nhận màu sắc. Và thành tựu to lớn làm mẹ tự hào hơn cả là mẹ đã luyện được cho con thói quen, sự thích thú, để con ngày mỗi ngày "tra tấn" mẹ bằng cách bắt mẹ nói hết cái này đến cái khác. 

Và tối nay ba con bảo với mẹ "An chưa được 2 tuổi mà biết nhiều nhỉ". Đó là lời tán thưởng rất có ý nghĩa với mẹ dù mẹ chắc chắn rằng ba con chả hề có ý niệm gì về sự cố gắng hay những khó khăn mà mẹ đã và sẽ phải vượt qua để con được như ngày hôm nay.  

Hiện giờ đó là những cái mẹ đã và đang làm. Thời gian tới mẹ sẽ phải nghĩ thêm nhiều trò chơi nữa để việc "học" sẽ không bao giờ là sức ép hay gánh nặng với con. Nó sẽ luôn là những trăn trở bứt đầu bứt tóc của mẹ (hi hi) và niềm vui bất tận của mẹ con mình. 

Yêu lắm chó con của mẹ. Giờ con đi ngủ mà mẹ còn thấy nhớ :-)
















0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.