27/05/2014 – Mẹ, con và giáo dục sớm (bài đem từ blog cũ sang)

Nói về nguyền gốc của cái việc giáo dục sớm này thì thật là dài dòng. Mẹ sợ đau nên cũng sợ mang bầu và sinh con nhưng từ lâu đã có niềm đam mê với việc giáo dục con cái. Nhen nhúm từ việc mẹ luôn thích các em bé ngoan và luôn tự nhủ khi có con mình cũng sẽ phải dạy cho nó thật ngoan. Giai đoạn này mới chỉ có khái niệm mơ hồ như thế.
Bước kế tiếp là ba mẹ đã có may mắn khi được ở cùng nhà với 4 sinh viên trường Monash khi mẹ từ Việt Nam sang. Họ đã làm mẹ hình dung rõ nét hơn một chút trong nhận thức về cách dạy con cái. Trong nhà có 4 sinh viên. 3 người sinh ra và lớn lên ở Úc, Sh (người Úc, sinh ra và lớn lên ở trang trại), J (người gốc Đài Loan sang Úc năm 5 tuổi) và D (người Úc, sinh ra và lớn lên ở Tas). Một người còn lại là cô gái tên L (sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, sang Úc học đại học).
Sống và đụng chạm với họ mỗi ngày đã mở mắt cho mẹ rất nhiều thứ. Mọi người sống chung trong căn nhà to gần trường Monash, dùng chung bếp và phòng giặt. Nhà mới xây với đầy đủ mọi thứ hiện đại như điều hoà trung tâm, máy rửa bát, cable TV và cả cái BBQ to tướng ở ngoài sân cho ai thích dùng thì dùng. Chưa kể mỗi tuần 1 lần sẽ có người đến lau sàn nhà và dọn bếp.
Tuy nhiên thì cũng rất nhiều người ở cùng nhau, có lúc nhân khẩu nhà lên đến gần chục con người (do có bạn gái đến ở vài ngày), và chỉ cần 1 vài người vô ý thức thôi thì cái nhà sẽ ngập rác, và có người đến dọn hằng ngày cũng không ăn thua. Sinh viên mà.
Trước kia mẹ luôn quan niệm, sinh viên là bê bối nhất (cho dù Việt hay Tây). Nhưng các bạn đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mẹ. Hoá ra bê bối và vô ý nhất lại là cô L đến từ Trung Quốc. Còn lại thì 3 chàng trai đã làm mẹ há mồm kinh ngạc và phục bố mẹ của họ sát đất.
Cả 3 đều có những điểm rất giống nhau: ăn nói, thái độ, cử chỉ lễ độ thể hiện sự chín chắn hơn hẳn sinh viên Việt Nam cùng tuổi. Luôn đi làm đi học đúng giờ dù là 5h sáng (Sh học apprenticeships nên hay phải đi làm sớm), D và J thì 7h sáng cho dù có mưa rét thì cũng người đạp xe người đi bộ đi học (ba mẹ ở phòng lớn ngay ngoài cửa nên ai ra vào đều biết). Các bạn đều rất tự giác đi tập gym và chơi thể thao. D cứ mỗi chiều thứ năm là xách xe đi chơi hockey ở trường (bất kể nắng mưa), J và Sh thì chăm chỉ tập gym ở nhà, các bạn còn mua hẳn bộ gym về để ở gara và cùng nhau tập.
Khi ăn xong mặc dù có máy rửa bát nhưng bao giờ các bạn cũng tự rửa bằng tay, lau và tự cất ngay đồ vào chỗ. Ba mẹ thì lười hơn nên cứ vứt hết vào máy rửa bát. Trên mặt kệ bếp mà có đồ bẩn bày bừa thì 100% bao giờ cũng là của cô bé L. Quần áo mẹ luôn thấy các bạn tuần nào cũng giặt đúng theo lịch phân công và phơi gọn ghẽ. Có bày bừa thì chỉ là bày trong phòng riêng của mình, còn chỗ chung thì tuyệt đối sạch sẽ.
Cách ăn của các bạn cũng không thể không nói đến. Trong nhà không bao giờ biết đến junk food là gì. J thì vừa sành lại vừa khó ăn khỏi nói, bữa nào của cậu ấy cũng ngon khỏi chê. Sh nấu ăn cũng rất tốt, và cu cậu còn thích làm bánh nữa. Hôm nào đi làm về mệt đến đâu thì cậu cũng vào bếp tự chuẩn bị thức ăn từ đầu, cậu ấy bảo đấy là cách để thư giãn. D thì ăn đơn giản hơn, nhưng hỏi chuyện thì biết cậu cũng đã được mẹ dạy qua lớp đào tạo về nấu ăn trước khi rời Tas đến Melb học. Chẳng mấy khi thấy các bạn ăn ngoài hay take away. Không ăn vặt linh tinh và khẩu phần ăn luôn đủ các nhóm dinh dưỡng.
Thói quen sống là thế và thành tích học tập của các bạn cũng rất đáng nể. D đạt 99.75 điểm trong kì thì VCE và nhận được học bổng của trường. J điểm thi luôn trên 80 và Sh thì yêu thích công việc, chưa ra trường đã có nơi gọi về làm. Ba mẹ đặc biệt thân với cậu Sh hiền lành chất phác chăm chỉ. Có lần mẹ nhờ ngày của cậu ấy giặt quần áo mà quên phơi, một lúc sau đi ra đã thấy đồ mình được Sh phơi hộ, gọn và đẹp hơn mình làm nhiều lần. Và đó chỉ là một trong rất nhiều những ấn tượng đẹp đẽ của mẹ về Sh nói riêng và các bạn nói chung.
3 chàng trai thì ngược hẳn lại với cô bé L. L là người TQ và mẹ nghĩ một sinh viên đến từ VN thì chắc cũng sẽ tương tự như thế. L thua ba mẹ gần 10 tuổi, dáng người to cao chắc nịch. L nói chung cũng hiền lành, hoà đồng nhưng cái nết ăn nết ở thì quả là khó chấp nhận. Kể ra thì hết cả ngày nhưng tụ chung lại là gây nhiều khó chịu cho người ở cùng dù đã được góp ý rất nhiều lần.
Ở cùng nhau được khoảng 2 năm, dần dà mẹ ngộ ra rằng các bậc phụ huynh ở Việt Nam hay đổ lỗi cho việc HỌC cho các khiếm khuyết trong cách sinh hoạt của con mình.  Nhưng rõ rằng trước mặt mẹ 3 con người vừa có thành tích học tập tốt cộng với một thói quen sinh hoạt tốt; phải chăng lỗi là khâu nhận thức của cha mẹ?
Từ đó mẹ bắt đầu có khái niệm rõ ràng hơn một chút về việc dạy con, đó là: con cái thế nào là do cha mẹ uốn ra thế ấy. Và chắc chắn bằng mọi cách mẹ sẽ phải dạy cho con của mẹ được như 3 bạn. Ấy là mới nghĩ thế thôi chứ nhắc đến có bầu với sinh con là mẹ vẫn còn sợ dúm vào, tự thấy chưa sẵn sàng.
Rồi một thời gian sau mẹ có bầu, sinh con. Với tư tưởng đó nên mẹ đã chú ý rèn cho con nếp ăn, nếp ngủ, nếp chơi ngay từ lúc mới sinh. Đến khi con được 8 tháng thì đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra: ngủ qua đêm ở tuần thứ 17 (8h tối – 7h sáng), tự ngủ (không cần ru) ở tháng thứ 5 tuy nhiên sau đó phải tập lại từ đầu vì bỏ quấn con khó ngủ hơn (đến tháng thứ 6 thì thành công), tự chơi một mình hoàn toàn và tự giác ở khoảng đầu tháng thứ 8, ngồi yên trên ghế ăn dặm đàng hoàng trong 30′ ở tháng thứ 9 (tuy nhiên thi thoảng vẫn cần mẹ nhắc).
Chỉ có từ tháng thứ 9 trở đi là con bắt đầu ốm dài ngày. Trận đầu tiên là ngày 1/4 ốm liên tục đến 15/5. Sau đó đi nhà trẻ thì về lại tiếp tục ốm đến tận lúc mẹ đang viết trang nhật ký này. Lịch sinh hoạt và mọi thứ lộn xộn, mẹ đang phải rất vất vả để duy trì lịch cho con.
Vào cuối tháng 4/2014 khi con được gần 9 tháng, như thường lệ mẹ lên mạng tìm thông tin về các cách dạy con trong giai đoạn tới. Hôm đấy tình cờ mẹ đọc được link thông tin về nữ sinh Lã Hồ Minh Khuê nhận được học bổng Harvard. Đó là bài phỏng vấn cô Hải Âu (mẹ Minh Khuê) về cách dạy con để vào được trường đại học nổi tiếng Harvard (link) (bài phỏng vấn Minh Khuê link ). Mẹ rất thích đọc các bài viết về cách dạy con (của những người đã thành công) nên mẹ click vào xem ngay. Mẹ đọc ngấu nghiến, và càng đọc thì càng thấy đây chính là cách mà mẹ muốn nuôi dạy con.
Cô có đề cập đến triết lý giáo dục về 7 trí thông minh của Harvard và còn nói theo sát triết lý đó để nuôi dạy con từ bé. Nhưng bài viết lại chung chung quá. Trong đầu mẹ có bao nhiêu là câu hỏi, nào là chính xác 7 triết lý giáo dục đó là gì, áp dụng như thế nào, từ độ tuổi nào, vân vân và vân. Mẹ lùng sục internet liên tục trong 1 tuần liền mà không tìm ra được một tài liệu tiếng Anh nào về triết lý giáo dục 7 trí thông minh của Harvard. Mẹ thậm chí đã vào xem cả chương trình học của Harvard college mà cũng không thấy có. Nếu nó đã là triết lý thì chắc chắn không thể khó tìm như thế được.
Mẹ đọc đi đọc lại bài phỏng vấn không dưới chục lần (và cả các bài liên quan), cố tìm cho ra một thông tin gợi hướng tìm hiểu mới. Đến cuối một bài báo thì thấy có đề cập rất ngắn gọn đến cuốn sách “Em phải đến Harvard để học kinh tế” của một bà mẹ Trung Quốc. Thấy bảo đã được viết từ năm 1998. Mẹ lập tức tìm đọc. Vừa chăm con ốm mẹ vừa tranh thủ đọc. Trong vòng 1 tuần đã đọc hết cuốn ebook 400 trang.
Rồi từ cuốn này mẹ lại biết thêm về một khái niệm mới “giáo dục sớm”. Mẹ liên tục đọc thêm các sách liên quan đến chủ đề này như “Thiên tài và giáo dục từ sớm” (Kimura – link ebook ), Giáo dục tự nhiên (Stoner – link ebook tiếng Anh).
Đọc xong thì mẹ đã “à” lên rất to. Vỡ ra được nhiều thứ quá. Thì ra việc giáo dục con theo hướng toàn diện đã được làm thành công từ năm 1814. Và các phương pháp giáo dục thì hầu hết là vẫn được duy trì cho đến tận ngày hôm nay.
Tại thời điểm này thì mọi thứ tuy đã rõ hơn nhưng lại thiếu tính hệ thống. Quay trở lại với triết lý 7 loại hình thông minh của Harvard (7 kinds of smart –  link ), sau khi lùng sục chương trình học của Harvard college thì mẹ phát hiện ra đúng là hệ thống các chương trình của họ có lấy nền tảng từ triết lý này.
Vậy thì nếu mẹ lên được chương trình dạy con theo hướng này thì chắc chắn sẽ ổn hơn là một cái nồi thập cẩm mẹ tự “nấu”. Thế là một lần nữa mẹ lại tiếp tục tìm thông tin về 7 loại hình thông minh. Cuối cùng mẹ đã tìm được. Thì ra đó là một cuốn sách được viết bởi Thomas Armstrong Phd dựa trên lý thuyết về các trí thông minh (multiple intelligences) của giáo sư Howard Gardner (dạy khoa giáo dục ở đại học Harvard).
Mẹ order ngay cuốn “7 kinds of smart”. Thế là chương trình học của con đã có được phần xương. Phần thịt thì mẹ sẽ phải đọc lại các cuốn sách tâm đắc để lọc ý, rồi thu nhặt từ xung quanh nữa. Khi con đến tuổi nào thì sẽ dạy con theo tuổi ấy. Kĩ hơn một chút về 7 loại hình thông minh thì là thế này:
1. Word smart: khả năng viết, nói và sử dụng từ của con. Đó là khả năng diễn tả được chính xác và xúc tích các suy nghĩ của mình. Có rất nhiều người rõ ràng trong tư duy nhưng lại “lẩm cẩm” khi diễn đạt các suy nghĩ của mình. Những người giỏi khả năng này: nhà báo, người dẫn chuyện (story teller), nhà thơ và luật sư. Họ có thể biện hộ, tranh luận, thuyết phục hay diễn trò nhờ vào việc sử dụng từ ngữ của mình.
2. Logical smart: Trí thông mình từ những con số và logic. Đây là sự thông mình của các nhà khoa học, kế toánh và lập trình viên.
3. Picture smart: khả năng tiếp nhận, chuyển hoá và tái tạo lại các khía cạnh khác nhau của thị giác. Những người giỏi kĩ năng này là các nhà thiết kế, thợ ảnh, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, phi công, và thợ máy.
4. Musical smart: khả năng nghe, cẩm nhận và sáng tác nhạc. Tiêu biểu Bach, Beethoven hay Brahms.
5. Body smart: sự khéo léo và deo dai của cơ thể. Những người có loại hình thông minh này cao là vận động viên, thợ máy, hay bác sĩ phẫu thuật.
6. Interpersonal smart: khả năng hiểu và làm việc được cùng người khác. Bao gồm hiểu tâm lý, cách suy nghĩ của người đối diện. Những người giỏi kĩ năng này là các nhà ngoại giao, networker, người đứng ra đại diện thương thảo (negotiator) và giáo viên.
7. Intrapersonal smart: dịch nôm na là sự chín chắn của bản thân. Người có kĩ năng này thường biết phân biệt và từ đó làm chủ các suy nghĩ của mình. Nó còn là sự tự tin, độc lập, có lý trí và tính kỉ luật cao. Giỏi kĩ năng này giúp con người tránh khỏi các suy nghĩ mang sự cảm tính, bồng bột, adua mà không dựa trên suy nghĩ của mình.
Nhìn thì có vẻ hơi choáng với lượng kĩ năng mẹ định nhồi cho con. Tuy nhiên nếu làm đúng thì sẽ vẫn thành công; điển hình là Karl Witte, Winfrey Stoner Jr, anh em nhà Mill, Thompson, Đình Đình và Minh Khuê.
Ví dụ từ lúc mới sinh đến khi hết cấp I có thể tập trung mạnh vào nhạc hoạ, học ngoại ngữ,rồi khi cấp II trở lên thì đổi sang thiên nhiều về học toán, lý, hoá. Thể dục và Văn thì sẽ được duy trì ngay lúc con có thể làm được. Như thế sẽ bớt gánh nặng lên mẹ và con và kinh tế gia đình.
Ngoài những cái đã đọc ra thì mẹ cũng muốn thêm vào chương trình học của con môn nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa, tự phục vụ mình.
Cái khó nhất của chương trình học này là phải rèn được cho con kỉ luật mềm, có nghĩa là vừa phải dạy con kĩ năng, vừa phải hun đúc đam mê để từ đó con tự làm không thấy bị bắt buộc. Tất cả các cuốn mẹ đọc qua và cả cô Hải Âu đều làm thế. Tuy nhiên cũng có trường hợp mẹ hổ Amy Chua (tác giả cuốn “Khúc chiến ca của mẹ hổ”) thì dùng kỉ luật thép. Sách bị lên án nhiều, nhiều người nói tác giả bị thần kinh. Mẹ cũng nghĩ như thế là có vấn đề. Bằng chứng là cô ấy chỉ dạy thành công đứa đầu, còn đứa sau cá tính hơn đã nổi loạn và thoát khỏi sự kìm kẹp dạy dỗ của mẹ.
Và mẹ nghi ngờ về sự trưởng thành cũng như những xáo trộn trong tâm lý của trẻ dưới sự dạy dỗ lạnh lùng như vậy. Vì sao khi sách của Witte, Stoner và Vệ Hoa (em phải dến Harvard) nhận được sự đồng tình và quan tâm của đông đảo người đọc (Witte viết từ năm 1814 và Sonter từ 1914, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng) thì sách của mẹ hổ lại bị ném đá thê thảm?
Vậy là suy nghĩ của mẹ từ dạy con ngoan đã chuyển thành dạy để con phát huy được hết khả năng của mình. Mẹ biết con đường là gian nan và đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của mẹ và con, nhưng mẹ biết nếu mẹ làm tốt thì mẹ sẽ “sinh ra con lần thứ hai” (trích sách nào đọc nhiều quá không nhớ), cho con khả năng để vươn cao hơn xa hơn, cho con đủ tri thức, ý chí nghị lực để làm được cái mình muốn.
Tại thời điểm này thì mẹ chưa có một mục tiêu cụ thể nào kiểu như con phải vào Harvard, mẹ đang mỗi ngày học làm quen, chỉnh sửa từ từ. Ấy thế mà cũng có ối thứ để kể rồi đấy. Mẹ sẽ viết về điều này vào hôm khác.
Hành trình của mẹ con mình sẽ còn nhiều gian nan vì ba con cơ bản là chưa cùng hội với mẹ con mình.
Yêu con chó con đang khạch khạch dưới chân mẹ. Lại ốm nữa, bao công mẹ chăm mới lên được vài trăm grm, giờ thì chắc là ra sông hết rồi.
-*-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.